Giá dầu cọ sẽ tăng lên mức 867 USD/tấn trong năm 2014

Dự báo sản lượng dầu cọ của Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, sẽ lần đầu tiên giảm xuống trong vòng 15 năm trở lại đây do điều kiện thời tiết bất lợi. Việc sụt giảm sản lượng dầu

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg, sản lượng dầu cọ của Indonesia sẽ giảm 1,9% xuống còn 26,5 triệu tấn trong năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên sản lượng dầu cọ của Indonesia sụt giảm kể từ năm 1998, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). USDA dự báo sản lượng dầu cọ trong năm nay của Indonesia sẽ đạt mức 28,5 triệu tấn. Tập đoàn ngân hàng Đức Deutsche Bank AG dự báo mức giá tham chiếu của dầu cọ trên sàn giao dịch tương lai Malaysia sẽ đạt mức trung bình 2.800 Ringgit Malaysia (MYR)/tấn tương đương 867 USD/tấn trong năm 2014, tăng 5,4% so với mức hiện tại.

Trong tháng 10/2013, giá dầu cọ đã có mức tăng cao nhất kể từ năm 2010, tăng 12%. Giá dầu cọ đã bật tăng 23% kể từ khi rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay vào hồi tháng 7/2013. Điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng cây cọ dầu thuộc vùng Sumatra và Kalimantan của Indonesia đã làm giảm sản lượng dầu cọ của nước này.

Ông Asmar Arsjad, tổng thư ký Hiệp hội người trồng cây cọ dầu cỡ nhỏ Indonesia cho biết: “Thời tiết bất lợi đã hầu như làm gián đoạn mùa vụ. Mọi người đã từng kỳ vọng sản lượng dầu cọ sẽ tăng lên trong tháng 10. Nhưng vì mưa và các cơn lũ, sản lượng dầu cọ đã giảm xuống”.

Dầu cọ tăng giá

Trong năm nay, giá dầu cọ giao tương lai trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã tăng 8,9% lên mức 2.656 MYR/tấn và hướng đến năm tăng giá đầu tiên kể từ năm 2010.

Theo số liệu của USDA, kể từ lần sụt giảm gần đây nhất vào năm 1998, sản lượng dầu cọ của Indonesia đã tăng gấp 5 lần. Trong suốt tháng 9/2013, Ủy ban dầu cọ Indonesia (DMSI) đã kỳ vọng sản lượng dầu cọ của Indonesia trong năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 28 triệu tấn. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2013, DMSI đã hạn mức dự báo xuống từ 26,7 triệu tấn đến 27 triệu tấn và ông Derom Bangu, chủ tịch DMSI cho biết mức dự báo sản lượng dầu cọ có thể tiếp tục được giảm xuống trong tương lai.

Sản lượng dầu cọ thường xuống mức thấp nhất vào tháng 1 hoặc tháng 2 và lên mức cao nhất vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm. DSMI cho biết, sản lượng dầu cọ của Indonesia trong nửa đầu năm 2013 đã đạt thấp hơn dự báo và không phục hồi tăng trở lại như dự kiến trong nửa cuối năm 2013.

Trong một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank công bố vào ngày 15/11, nhà phân tích Michelle Foong đã nhận định rằng sản lượng dầu cọ của Indonesia có khả năng sẽ thấp hơn mức dự kiến. và dự báo giá dầu cọ sẽ tăng thêm 8%.

Ông Michael Greenall, chuyên gia phân tích của hãng tư vấn hàng hóa BNP Paribas SA tại Singapore dự báo giá dầu cọ có thể tăng lên mức 2.800 MYR/tấn trong quý I/2014 do mức tăng trưởng nguồn cung của Indonesia giảm thấp hơn và lượng phân bón được sử dụng ít hơn.

Sản lượng phục hồi

Ông Dorab Mistry, giám đốc công ty nghiên cứu Godrej International Ltd. (Ấn Độ) nhận định, sự sụt giảm bất ngờ của sản lượng dầu cọ của Indonesia sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn do năng suất cây cọ dầu sẽ tăng trở lại vào năm 2014. Vào ngày 14/11, ông Dorab Mistry đã dự báo giá dầu cọ giao tương lai có thể tăng lên mức 2.800 MYR/tấn nếu như sản lượng dầu cọ ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm 2014.

Theo Hiệp hội dầu cọ Indonesia cho biết, sản lượng dầu cọ của nước này sẽ tăng lên trong năm 2014. Trong ngày 12/11, ông Rafael Buhay Concepcion, giám đốc tài chính của công ty Golden Agri-Resources Ltd. (Singapore) dự báo sản lượng dầu cọ sẽ tăng 10% trong năm 2014. Golden Agri-Resources Ltd. là công ty có diện tích trồng cây cọ dầu lớn thứ hai trên thế giới.

USDA dự báo dư cung dầu cọ trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao nhất vào niên vụ 2013/14 (bắt đầu từ ngày 1/10/2013); sản lượng dầu cọ toàn cầu niên vụ 2013/14 ước đạt 58,3 triệu tấn, bao gồm 31 triệu tấn từ Indonesia. Lượng dự trữ dầu cọ trong niên vụ 2013/14 trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18% lên mức cao nhất từng được ghi nhận 9,2 triệu tấn.

Trong một hội thảo được tổ chức vào ngày 28/11, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Suswono đã nói rằng, sản lượng dầu cọ của Indonesia trong năm 2013 có thể tăng lên mức 28 triệu tấn so với mức 25,7 triệu tấn vào năm 2012.

Thuế xuất khẩu

Theo Bộ công nghiệp Indonesia, nước này sẽ tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ từ mức 9% như hiện nay lên mức 12% vào tháng 12/2013. Chính phủ Malaysia cũng đã thông báo nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ thô từ mức 4,5% lên 5% vào tháng 12/2013. Nguồn cung dầu cọ từ Indonesia và Malaysia chiếm đến 86% tổng nguồn cung dầu cọ trên toàn cầu.

Việc dầu cọ tăng giá trong năm nay có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu cọ tăng chậm lại, nhất là trong bối cảnh giá đậu tương có thể giảm thấp. Đậu tương là nguyên liệu thay thế hạt cọ dầu để sản xuất dầu ăn. Trong ngày 19/11, hãng nghiên cứu Oil World (Đức) đã nâng dự báo sản lượng đậu tương trên toàn cầu thêm 1,8% lên mức 286,5 triệu tấn do mùa vụ đậu tương từ Brazil đến Mỹ được cải thiện. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs Group Inc. (Mỹ) dự báo giá đậu tương tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago sẽ giảm từ mức 13,20 USD/giạ (28/11) xuống chỉ còn 9,50 USD/giạ (1 giạ = 27,2 kg) vào cuối năm nay.