Giá dầu thực vật ngày 26/11/2013

Trong ngày 26/11, giá dầu cọ đã giảm xuống sau thông tin sản lượng dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 11/2013 đã tăng nhẹ so với cùng kỳ tháng 10/2013.

Giá dầu cọ giao tháng 2/2014 trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã giảm 0,9% xuống mức 2.606 Ringgit Malaysia (809 USD)/tấn và kết thúc phiên giao dịch buổi sáng tại mức 2.614 Ringgit Malaysia (MYR)/tấn. Giá dầu cọ giao tương lai trong ngày 22/11/2013 đã tăng mạnh lên mức 2.692 MYR/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 9/2012 do thị trường lo ngại sản lượng dầu cọ của Indonesia sẽ không đạt mức dự báo của giới chuyên gia. Indonesia là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Theo Ủy ban dầu cọ Malaysia (MPOB), sản lượng dầu cọ của Malaysia đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp và đạt 1,97 triệu tấn trong tháng 10/2013 – mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. MPOB cũng cho biết, sản lượng dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 11/2013 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ tháng 10/2013.

Ông Alan Lim Seong Chun, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Kenanga Investment Bank Bhd (Malaysia), nhận định, sự gia tăng sản lượng dầu cọ của Malaysia đi ngược lại sự suy đoán của mọi người do sản lượng dầu cọ trong tháng 11 hàng năm thường thấp hơn tháng 10. Tuy nhiên sản lượng dầu cọ trong năm nay đã biến đổi nhẹ so với quy luật mùa vụ. Ông Alan Lim Seong Chun cho rằng, thời điểm sản lượng dầu cọ đạt mức cao nhất có thể đã thực sự chuyển từ tháng 10 sang tháng 11 năm nay.

Ngoài ra, ông Alan Lim Seong Chun cũng nhận định việc mức chênh lệch giữa giá dầu đậu nành với dầu cọ giảm xuống có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng dầu đậu nành. Trong ngày 26/11, mức chênh lệch giá giữa dầu đậu nành với dầu cọ đã được thu hẹp xuống còn 90 USD/tấn, giảm so với mức trung bình 262 USD/tấn trong năm nay – theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg.

Giá dầu đậu nành giao tháng 1/2014 trên sàn CBOT (13 - 25/11)

Giá dầu đậu nành tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã biến động nhẹ tại mức 40,92 cents/pound (0,454 kg); trong ngày 25/11, giá dầu đậu nành trên sàn CBOT đã giảm 1,2%. Giá đậu tương giao tháng 1/2014 trên sàn CBOT đã giảm 0,3% xuống còn 13,2575 USD/giạ (1 giạ đậu tương = 27,2 kg).

Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên sàn DCE (13 - 25/11)

Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên – DCE (Trung Quốc) đã giảm 1,7% xuống còn 6.338 NTD (1.040 USD)/tấn. Giá dầu đậu nành trên sàn DCE cũng đã giảm 0,7% xuống mức 7.266 NDT/tấn.

Đặng Quang - Vi Thu (Theo Bloomberg)