Giá dầu cọ giao tháng 1/2014 trên sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã giảm 1,3% xuống còn 2.578 Ringgit Malaysia (807 USD)/tấn và đạt mức 2.580 Ringgit Malaysia (MYR)/tấn vào lúc 12h04’ giờ Kuala Lumpur (11h04’ cùng ngày 18/11 giờ Việt Nam). Trong tuần trước (11 – 15/11), giá dầu cọ đã tăng 4,2%; chốt phiên giao dịch ngày 15/11 tại mức 2.613 MYR/tấn – mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1/11/2013.
Trong ngày 15/11, hãng giám định thương mại Intertek đã cho biết, lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong nửa đầu tháng 11/2013 đã giảm 4,6% so với cùng kỳ tháng 10/2013, xuống còn 744.975 tấn. Dầu cọ vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp từ sản xuất kẹo đến nước tẩy rửa, đã xác lập xu hướng tăng giá trong tháng này và đang hướng đến năm tăng giá đầu tiên trong vòng 3 năm do diện tích gieo trồng cây cọ dầu tại Indoneisa sụt giảm. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.
Ông Gnanasekar Thiagarajan, giám đốc công ty nghiên cứu thông tin Commtrendz Risk Management Services Pvt (Mumbai, Ấn Độ) cho biết, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia có thể giảm xuống do giá lên cao.
Sau khi giảm 1,2% vào ngày 15/11, giá dầu đậu nành giao tháng 1/2014 tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã bật tăng 0,2% lên mức 40,82 cents/pound (0,454 kg). Giá đậu tương giao tháng 1/2014 trên sàn CBOT đã biến động nhẹ tại mức 12,8125 USD/giạ (1 giạ đậu tương = 27,2 kg); trong ngày 15/11, giá đậu tương đã sụt giảm 2,5%.
Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) đã giảm 0,6% xuống còn 6.244 NDT (1.028 USD)/tấn và giá đậu nành cũng đã giảm 1% xuống còn 7.186 NDT/tấn.
Nhu cầu tăng
Hiệp hội dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho biết, những cơn mưa lớn có thể gây gián đoạn việc thu hoạch và làm giảm sản lượng dầu cọ tại Indonesia và Malaysia trong tháng này, qua đó giúp giá dầu cọ tăng lên. GAPKI cho biết, giá dầu cọ có thể tăng lên mức 975 USD/tấn trong tháng này, tuy nhiên không đưa ra thông tin chi tiết lý giải về mức giá.
Theo tính toán của hãng tin Bloomberg, lượng dầu cọ xuất khẩu của Indonesia trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng 20% lên mức 17,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng dầu cọ xuất khẩu của Indonesia trong tháng 10/2013 đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 tháng do nguồn cung các loại dầu ăn thay thế dầu cọ tại Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm, qua đó gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng dầu cọ của Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia sử dụng dầu cọ lớn nhất thế giới.
GAPKI cho biết, lượng dầu cọ Indonesia xuất khẩu trong tháng 10/2013 sang Ấn Độ đã tăng 13% so với tháng 9/2013 đạt 488.260 tấn; sang Trung Quốc tăng mạnh 62% lên mức 296.490 tấn và sang Liên minh Châu Âu tăng vọt 52% lên mức 395.380 tấn.
Thuế xuất khẩu dầu cọ thô
Malaysia, nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ thô. Mức thuế này đã được Malaysia giữ không đổi kể từ tháng 3/2013.
Theo một thông báo của Cục Hải quan Malaysia trên website của Ủy ban Dầu cọ Malaysia, mức thuế xuất khẩu 5% sẽ được áp dụng cho các lô hàng dầu cọ vào tháng 12/2013; giá tham khảo để tính thuế được thiết lập tại mức 2.452,43 Ringgit Malaysia (765 USD)/tấn. Mức thuế xuất khẩu dầu cọ được Malysia giữ ở mức 0% trong hai tháng đầu năm 2013 và được nâng lên mức 4,5% trong tháng 3/2013. Trong tháng 10/2013, Indonesia – quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới – đã nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ của nước này lên mức 9%.
Ông Alan Lim Seong Chun, chuyên gia phân tích tại Kenanga Investment Bank Bhd (Malaysia) nhận định: “Do mức thuế xuất khẩu gia tăng nhẹ và có hiệu lực từ tháng 12/2013 nên điều này có thể kích thích nhu cầu đối với dầu cọ trong ngắn hạn trên thị trường giao ngay nhằm được hưởng mức thuế suất 4,5% hiện tại. Nhu cầu gia tăng trong ngắn hạn sẽ là tín hiệu tốt đối với thị trường giao ngay và có thể tác động lên cả thị trường tương lai nữa.”
Giá dầu cọ đã tăng lên mức 2.628 Ringgit Malaysia/tấn vào ngày 1/11/2013 – mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2012 và cao hơn 21% mức giá 2.167 MYR/tấn của ngày 29/7/2013, qua đó, xác lập xu hướng tăng giá của dầu cọ.