Trong ngày 11/11, Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết, sản lượng dầu cọ của nước này trong tháng 10/2013 đã tăng 3,1% so với tháng 9/2013 lên mức 1,97 triệu tấn – đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2012. Lượng dự trữ dầu cọ của Malaysia đã tăng 3,5% lên mức 1,8 triệu tấn – mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Lượng dầu cọ được Malaysia xuất khẩu trong tháng 10/2013 cũng đã tăng 3,3% lên mức 1,66 triệu tấn. Các con số này đều cao hơn mức dự báo của giới chuyên gia đưa ra trong tuần trước.
Giá dầu cọ giao tương lai đang hướng đến năm tăng giá đầu tiên trong vòng 3 năm; dầu cọ đã bắt đầu tăng giá vào tháng này trong bối cảnh thị trường kỳ vọng sản lượng dầu cọ từ Indonesia và Malaysia, hai quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, có thể thấp hơn dự báo của giới chuyên gia và thời điểm mùa mưa bắt đầu có thể hạn chế nguồn cung dầu cọ. Sản lượng dầu cọ thường đạt mức cao nhất trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm theo chu kỳ phát triển của cây trồng. Dầu cọ được sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất từ sản xuất kẹo đến nguyên liệu sinh học.
Ông Alan Lim Seong Chun, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Kenanga Investment Bank Bhd (Malaysia) cho biết: “Sản lượng dầu cọ đạt mức cao nhất trong tháng 10 và mức sản lượng sẽ không tăng lên cao như thế trong những tháng còn lại của năm. Lượng dầu cọ dự trữ sẽ tăng lên trong tháng 11 do chúng tôi không kỳ vọng bạn hàng mua dự trữ hàng nhiều khi ít có lễ hội tại Trung Quốc và Ấn Độ”. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước tiêu thụ dầu cọ lớn nhất thế giới.
Dự báo xuất khẩu dầu cọ
Ông Alan Lim Seong Chun dự báo sản lượng dầu cọ của Malaysia có thể giảm 6,5% trong tháng 11/2013 xuống còn 1,84 triệu tấn, lượng dầu cọ được xuất khẩu cũng được dự báo giảm còn 1,5 triệu tấn, qua đó gia tăng mức dự trữ dầu cọ lên mức 1,91 triệu tấn.
Hãng giám định thương mại Intertek cho biết, lượng dầu cọ được Malaysia xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 11/2013 chỉ đạt 472.321 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ tháng trước.
Trước khi báo cáo về sản lượng dầu cọ được công bố, giá dầu cọ giao tháng 1/2014 trên sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã tăng 1,5% lên mức 2.546 Ringgit Malaysia (794 USD)/tấn. Trong ngày 1/11/2013, giá dầu cọ đã đóng cửa tại mức 2.628 Ringgit Malaysia/tấn, mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2012 và cao hơn 21% so với mức 2.167 Ringgit Malaysia/tấn vào ngày 29/7/2013 – mốc đánh dấu giá dầu cọ bật tăng trở lại.