Giá dầu thực vật ngày 15/11/2013

Trong ngày 15/11, giá dầu cọ đã tăng lên, hướng đến mức tăng 3,6% trong cả tuần do thị trường kỳ vọng Ấn Độ, nước sử dụng dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sẽ gia tăng nhập khẩu dầu cọ.

Tính đến thời điểm nghỉ giữa trưa ngày 15/11, giá dầu cọ giao tháng 1/2014 trên sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã tăng 0,4% lên mức 2.599 Ringgit Malaysia (812 USD)/tấn, hướng đến mức tăng 3,6% trong tuần này (11 – 15/11). Vào ngày 1/11, giá dầu cọ đã tăng lên mức 2.628 Ringgit Malaysia (MYR)/tấn vào ngày 1/11, đạt mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2012 và cao hơn 21% so với mức giá 2.167 MYR/tấn vào ngày 29/7/2013.

Giá dầu cọ tăng nhờ kỳ vọng Ấn Độ gia tăng nhập khẩu dầu cọ. Theo kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg được công bố vào ngày 13/11, lượng dầu cọ được Ấn Độ đặt mua trong tháng 10/2013 có khả năng đã tăng lên do việc thu hoạch quả cọ dầu tại Ấn Độ bị trì hoãn, qua đó giảm mức dự trữ dầu ăn của nước này xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng. Khảo sát của Bloomberg cho biết, lượng dầu cọ thô và dầu cọ tinh chế được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 10/2013 đã tăng 14% lên mức 710.000 tấn so với hồi tháng 9/2013. Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ dự kiến sẽ đưa ra số liệu trong ngày 15/11.

Ông James Ratnam, chuyên gia phân tích tại TA Securities Holdings Bhd. (Malaysia) nhận định: “Các số liệu từ Ấn Độ sẽ cung cấp vài bằng chứng cho thấy nhu cầu đối với dầu cọ đang tăng lên. Mặc dù mức chênh lệch giữa giá dầu cọ với dầu đậu nành đã được thu hẹp đáng kể tuy nhiên, dầu cọ vẫn có giá rẻ hơn.”

Trong ngày 15/11, mức chênh lệch giá giữa dầu cọ và dầu đậu nành đã giảm xuống còn 102,08 USD/tấn so với mức 259,56 USD/tấn trong cùng kỳ năm ngoái – theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Giá dầu đậu nành giao tháng 1/2013 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng 0,4% lên mức 41,39 cents/pound (0,454 kg). Giá đậu tương giao tháng 1/2014 trên sàn CBOT đã tăng 0,1% lên mức 13,1525 USD/giạ.

Trong ngày 15/11, hãng giám định thương mại Intertek đã cho biết, lượng dầu cọ được xuất đi từ Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, trong nửa đầu tháng 11/2013 chỉ đạt 744.975 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ tháng 10/2013.

Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã giảm 0,2% xuống còn 6.320 NDT (1.038 USD)/tấn và giá dầu đậu nành đã tăng 0,3% lên mức 7.306 NDT/tấn.

Đặng Quang (Theo Bloomberg)