Giá dầu cọ giao tháng 2/2014 trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives đã tăng 2,6% đạt 2.648 Ringgit Malaysia (825 USD)/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 25/9/2012 và được giao dịch ở mức 2.629 Ringgit Malaysia (MYR)/tấn vào thời điểm nghỉ giữa trưa ngày 21/11. Giá dầu cọ đã xác lập xu hướng tăng giá trong tháng này; tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ đã tăng được 7,8% và hướng đến năm tăng giá đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây.
Giá dầu cọ tăng nhờ kỳ vọng sản lượng dầu cọ tại Indonesia và Malaysia giảm xuống trong năm nay. Theo Hiệp hội dầu cọ Indonesia (GAPKI), những cơn mưa to có thể gây gián đoạn việc thu hoạch và giảm sản lượng dầu cọ trong tháng 11/2013. GAPKI cũng cho biết năng suất cây cọ dầu tại Indonesia có thể giảm từ 15% đến 20% trong năm nay do điều kiện thời tiết xấu.
Ông Chandran Sinnasamy, trưởng ban giao dịch tại LT International Futures Sdn. (Malyaisa) nhận định, nguồn cung dầu cọ ra thị trường hiện rất hạn chế, ngoài ra, việc đồng tiền Malaysia suy yếu có thể gia tăng thêm số lượng đơn hàng từ Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia sử dụng dầu ăn lớn nhất thế giới.
Trong ngày 21/11, đồng Ringgit Malysia đã có mức sụt giảm mạnh
nhất trong gần hai tháng trở lại đây, điều này đã khiến hàng xuất khẩu của
Malaysia được định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn. Theo khảo sát của hãng
giám định thương mại Intertek, trong 20 ngày đầu tháng 11, lượng dầu cọ xuất khẩu
của Malaysia chỉ đạt 1 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ tháng trước.
Giá đậu tương giao tháng 1/2014 tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng 0,3% lên mức 12,7775 USD/giạ (27,2 kg); giá dầu đậu nành trên sàn CBOT cũng đã tăng 0,8% lên mức 40,89 cents/pound (0,454 kg).
Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên sàn DCE (13 - 20/11)Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã tăng 1,6% lên mức 6.368 NDT (1.045 USD)/tấn và giá dầu đậu nành tăng 1% lên mức 7.258 NDT/tấn.
Thuế xuất khẩu
Theo ông Faiz Achmad, vụ trưởng Vụ thực phẩm và ngư nghiệp tại Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia có thể được nâng lên từ mức 9% như hiện nay lên mức 12% trong tháng 12 năm nay. Đây sẽ là mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ cao nhất được Indonesia áp dụng kể từ mức thuế suất 13,5% vào tháng 10/2012 – theo số liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg. Chính phủ Indonesia thường thông báo mức thuế mới vào ngày 25 hàng tháng. Trước đó, Chính phủ Malaysia đã nâng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ thô lên mức 5%.
Indonesia sẽ cùng với Malaysia tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh giá dầu cọ giao tương lai đang hướng đến tháng tăng giá thứ hai liên tiếp. Trong tháng 10/2013, giá dầu cọ giao tương lai đã tăng mạnh 11,8% do lo ngại sản lượng dầu cọ của Indonesia và Malaysia có thể giảm so với dự báo của giới chuyên gia.
Các đồn điền trồng cây cọ dầu của Indonesia hiện đang ở đáy của chu kỳ cây trồng cho năng suất thấp và sản lượng dầu cọ của Indonesia trong năm nay có thể chỉ đạt chưa đến 27 triệu tấn, thấp hơn so với mức từ 30 triệu tấn đến 31 triệu tấn được dự báo trước đây.
Ông Hariyanto Wijaya, chuyên gia phân tích tại PT Mandiri Sekuritas (Indonesia) nhận định: “Các nhà xuất khẩu có thể gia tăng lượng hàng xuất đi trước khi mức thuế suất mới được áp dụng.” Theo ông Hariyanto Wijaya, các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia tuy kém cạnh tranh hơn so với đối thủ Malaysia nhưng mức tăng lên trong tiêu thụ dầu cọ nội địa Indonesia, đặc biệt là sự gia tăng sử dụng nguyên liệu sinh học, sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất dầu cọ Indonesia.