Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Vĩnh Phúc

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ có những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ khơi dậy mọi tiềm năng, hun đúc ý chí, khát vọng phồn vinh của cả Đảng bộ, Nhân dân; tạo dựng và phát huy những động lực mới, trong đó tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu “phát triển toàn diện, nhanh và bền vững” của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn mới.
Khu du lịch hồ Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Khu du lịch hồ Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

 

Xuất phát từ ý chí tự lực, tự cường, vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã nhất quán lựa chọn con đường đổi mới kinh tế để phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiều nhiệm kỳ đều đã xác định “Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Ngày 4-11-2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở đó, hạ tầng du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư và khuyến khích mọi thành phần tham gia đầu tư.

Tỉnh đã lập quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh gồm: Khu du lịch Tam Đảo I, Khu phía Tây - khu du lịch Đại Lải và Khu danh thắng Tây Thiên. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch Khu dịch vụ, du lịch và đô thị phía Bắc hồ Đại Lải; khu vực núi Sáng, hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục là cơ sở quan trọng tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc gia như Tam Đảo I, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, FLC Vĩnh Thịnh - An Tường, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort...

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế và dịch vụ. Quốc lộ 2 chạy qua tỉnh đã được nâng cấp, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai – Côn Minh nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc cùng với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) chạy qua địa bàn tỉnh góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các nước, vùng lãnh thổ có dòng sông Mê Kông chảy qua.

Lễ hội rước kiệu xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là lễ hội truyền thống đặc sắc lâu đời thu hút đông đảo khách du lịch
Lễ hội rước kiệu xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là lễ hội truyền thống đặc sắc lâu đời thu hút đông đảo khách du lịch

 

Vĩnh Phúc nằm kề với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, một trong 2 cảng hàng không lớn nhất cả nước. Vị trí của tỉnh gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp. Những thuận lợi về giao thông đã góp phần quan trọng vào phát triển du lịch trên địa bàn.

Nhằm khai thác những lợi thế đó, trong nhiều năm qua Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như cải tạo, nâng cấp QL2B đoạn từ cầu Chân Suối đến khu du lịch Tam Đảo 1; xây dựng Công viên vườn hoa Tam Đảo - Lát vỉa hè thị trấn Tam Đảo…

Một số dự án gián tiếp phục vụ du lịch được đẩy nhanh tiến độ như dự án Văn Miếu, Nhà hát tỉnh, khu công viên quảng trường…

Theo số liệu của Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 352 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 6.400 buồng đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao là khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải; 2 khách sạn 4 sao là khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô và Westlake Hotel.

Có 32 khách sạn 2 sao; 23 khách sạn 1 sao và 293 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc cũng đang có 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 4 công ty lữ hành quốc tế.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội - tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn...

Một số tour, tuyến du lịch mới được đưa vào khai thác, đã thu hút đông đảo sự lựa chọn của du khách như: Tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch Con đường Tâm Linh, tuyến du lịch Thanh Lanh Ngọc Bội - Thác Bản Long, Tuyến Vân Trục - hồ Bò Lạc - Sáng Sơn, khu sinh thái vườn cò Hải Lựu...

Trên thực tế, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch với 2 sản phẩm mũi nhọn đang thu hút được nhiều du khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội.

Để tập trung phát triển du lịch, ngày 31/8/2018, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 41, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, với doanh thu 2.600 tỷ đồng; năm 2030 thu hút 150 ngàn lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Vườn cò Hải Lựu
Vườn cò Hải Lựu

 

Sắp tới đây, từ 13 đến 15/10/2020, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương; đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh”.

Đại hội sẽ có những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ khơi dậy mọi tiềm năng, hun đúc ý chí, khát vọng phồn vinh của cả Đảng bộ, Nhân dân; tạo dựng và phát huy những động lực mới, trong đó tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu “phát triển toàn diện, nhanh và bền vững” của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn mới.

Đàm Tiến Trung