5 điểm nhấn lớn
Căn cứ các định hướng mục tiêu chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7-8% năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1208 ngày 21/7/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
Qua 5 năm, trên cơ sở tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII và với định hướng sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước; ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428 ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra.
Cung cấp điện ổn định, an toàn
Trong giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt gần 210 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người tăng 2,2 lần, từ 982 kWh/người (năm 2010) lên 2.180 kWh/người (năm 2019). Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống năm 2019 đạt 38.249 MW.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện đã có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh. Ngành điện đã hoàn thành nhiều công trình để tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công Thương cũng nhận định, công tác đầu tư xây dựng của ngành điện dần có sự chuyển dịch từ việc đầu tư phát triển về chiều rộng sang đầu tư theo chiều sâu để đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Về nguồn điện, tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt gần 55.000 MW, trong đó công suất điện gió và điện mặt trời đạt hơn 5.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn của hệ thống.
Về lưới điện, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là gần 8.500 km tăng 2,2 lần so với năm 2010; chiều dài đường dây 220-110 kV tăng từ 23.000 km lên hơn 43.000 km; dung lượng các trạm biến truyền tải cũng tăng khoảng 2,8 lần so với năm 2010.
Bên cạnh đó, việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng cũng đạt kết quả khá tốt. Sản lượng nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc năm 2019 khoảng 3,31 tỷ kWh, chiếm 1,4% tổng sản lượng điện của hệ thống.
Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo
Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo đã được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.
Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Đối với các đảo có vị trí chiến lược trên biển như Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Tập đoàn đã đầu tư cấp điện lưới quốc gia để đảm bảo cấp điện ổn định.
Hiện tại, 100% số xã và 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn.
Nâng cao chất lượng cung ứng điện
Ngành điện đã rất tích cực trong việc theo dõi, thực hiện các biện pháp quản lý vận hành, ngăn ngừa sự cố, rút ngắn thời gian cắt điện,… nhằm nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm thời gian mất điện của khách hàng.
Tổn thất điện năng của hệ thống điện giảm từ mức 10,15% vào năm 2010 xuống còn 6,5% năm 2019. Các hoạt động tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả được triển khai sâu rộng. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.
Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, trong vòng 5 năm, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng được 129 bậc, từ vị trí 156 năm 2013 đã vươn lên vị trí 27 vào năm 2018 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.
Triển khai thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình
Thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh chính thức vận hành ngày 1/7/2012. Đến cuối năm 2019, có 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW trực tiếp tham gia thị trường điện.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được vận hành thử nghiệm từ năm 2017 và vận hành chính thức từ 1/1/2019.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093 ngày 7/8/2020 phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hướng tới cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện từ sau năm 2024.
Nâng cao chất lượng của Quy hoạch điện VIII
Tuy vậy, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành điện nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền còn tồn tại. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ,…
Để có thể tiếp tục bảo đảm việc cung ứng điện, trong thời gian tới, ngành điện sẽ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, trong đó trước mắt là xây dựng Quy hoạch điện VIII đáp ứng tiến độ và đảm bảo chất lượng, đảm bảo được tính khoa học, chính xác, đồng bộ và linh hoạt, nâng cao tính khả thi của các đề xuất trong quy hoạch.
Đồng thời, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, thông qua xây dựng cơ chế chính sách tài chính để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện lực đi đôi với phát triển khoa học - công nghệ, thực thi nghiêm túc các chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực.
“Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới, với các giải pháp được triển khai đồng bộ cùng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, ngành điện chắc chắn sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm an ninh, quốc phòng của đất nước”, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.