Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của Sở Công nghiệp Trà Vinh đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND Tỉnh chỉ đạo nhiều hoạt động hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp, TTCN, đề xuất các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư sát đúng với thực tế của địa phương.
Nổi bật năm 2006 là hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề. Với nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 111,14 triệu, Trung tâm Khuyến công đã tổ chức 35 lớp truyền nghề cho 1.200 lao động. Đáng chú ý, trong số lao động dân tộc Khmer, nữ chiếm 89,4%. Kết quả có 65% lao động đã có việc làm và thu nhập ổn định từ sản phẩm do họ làm ra.
Trong số 35 lớp truyền nghề, chủ yếu là sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây lác, lục bình, dây chuối, dây nhựa đan khung sắt, cọng lá dừa, se chỉ sơ dừa, tranh ghép gỗ, điêu khắc, búp bê xuất khẩu… đã tạo ra được 99.000 sản phẩm, doanh nghiệp đạt 2,1 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn khuyến công của Tỉnh đã triển khai thực hiện, tỉnh Trà Vinh được khuyến công trung ương hỗ trợ 120 triệu đồng, tổ chức được 25 lớp đào tạo nghề và truyền nghề cho 625 lượt lao động. Đặc biệt trong năm 2006, Trà Vinh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Cục Công nghiệp địa phương, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh, nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt trong các lớp tập huấn này, có 137 học viên tham dự thì hầu hết là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng các doanh nghiệp, trưởng phó phòng các huyện thị… Các học viên đều đánh giá cao việc Tỉnh mở lớp, tạo cơ hội để các doanh nghiệp ứng dụng những kiến thức vào thực tiễn.
Về kêu gọi đầu tư, năm 2006, Trà Vinh đã phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Trà Vinh, đã có gần 50 công ty trong và ngoài nước tham dự. Cùng với hội thảo, Tỉnh cũng đã tổ chức giao lưu với các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bến Tre… để trao đổi và học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công. Điểm đáng lưu ý là qua các giao lưu này, doanh nghiệp các tỉnh đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Năm 2006, Trà Vinh đã làm tốt công tác quảng bá các sản phẩm công nghiệp địa phương tại các hội chợ tổ chức ở An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Công ty Việt Hùng (một doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi Trà Vinh) đã đoạt 4 Huy chương Vàng cho sản phẩm của Công ty. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Tỉnh còn chủ động phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Trà Vinh mở chuyên mục “Khuyến công” mỗi tháng phát 01 chương trình. Nội dung đã lồng ghép, giới thiệu Nghị định 134/CP và các văn bản khác hướng dẫn thực hiện công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề, thông tin KHKT, tư vấn khởi nghiệp và an toàn lao động.
Kết thúc năm 2006, công tác khuyến công Trà Vinh cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao, đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tăng thêm giá trị SXCN và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, nhất là người dân ở nông thôn, đồng bào dân tộc Khmer. Công tác tư vấn đã được coi trọng và hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực: Tư vấn khởi nghiệp, tư vấn xây dựng công trình điện nông thôn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại rất cần được các cấp các ngành quan tâm giải quyết là:
- Công tác khuyến công của Trà Vinh còn mới mẻ, nên khi thực hiện ở địa phương còn lúng túng. Mặt khác, hệ thống văn bản của Nhà nước về khuyến công, còn nhiều vấn đề chưa cụ thể như: Hướng dẫn CN-NV, tổ chức của các TTKC, chế độ quản lý tài chính - kế toán, kinh phí khuyến công, chế độ theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động khuyến công, điều kiện đối với tổ chức cá nhân tham gia dịch vụ khuyến công chưa được quy định… dẫn tới việc thực hiện chính sách khuyến công triển khai chậm và không thống nhất giữa các địa phương.
- Mong rằng, những kết quả khuyến công của Trà Vinh sẽ là bài học kinh nghiệm cho những tỉnh thuần nông ở miền Tây Nam Bộ trong thời gian tới.