Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã chính thức vận hành ngày 01/7/2012 và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, giúp vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định và tin cậy.
Qua hơn 6 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống, từng bước tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các thành viên tham gia thị trường điện.
Đến cuối năm 2019, 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW (chiếm 47,5% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 01/01/2019.
Về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ngày 7/8/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Mục tiêu chính của thị trường bán lẻ điện là cho phép khách hàng được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện với giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí hợp lý hợp lệ và có tính cạnh tranh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch trong các hoạt động giao dịch mua bán điện.
Dựa trên điều kiện đặc thù của ngành điện Việt Nam, Đề án đưa ra 2 mô hình thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường bán lẻ điện Việt Nam, bao gồm:
i) Khách hàng sử dụng điện mua điện từ thị trường điện giao ngay;
ii) Khách hàng sử dụng điện lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện.
Với từng mô hình, Đề án cũng đã xây dựng các cơ chế nguyên tắc vận hành, cũng như các điều kiện cần đáp ứng để triển khai thực hiện. Việc xây dựng hoàn thiện thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện rất quan trọng, làm cơ sở để thị trường điện cạnh tranh nói chung cũng như thị trường bán lẻ điện nói riêng được vận hành ổn định và hiệu quả.
Kế hoạch triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được chia làm 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu (đến hết năm 2021) sẽ tập trung vào các công tác chuẩn bị cần thiết cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (các văn bản pháp lý, tái cơ cấu ngành điện, …).
Giai đoạn tiếp theo (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay.
Sau năm 2024, sẽ từng bước cho phép các khách hàng sử dụng điện sẽ được quyền lựa chọn đơn vị bán lẻ điện cho mình thay vì chỉ được mua từ 1 đơn vị bán lẻ duy nhất theo khu vực địa lý như trước đây.
Như vậy, trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, các khách hàng sử dụng điện sẽ được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện; đồng thời thoả thuận, thống nhất với đơn vị bán lẻ điện về mức giá bán điện.
Việc đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành sẽ làm thay đổi về bản chất các giao dịch mua bán điện hiện nay, chuyển đổi từ cơ chế nhà nước điều tiết giá điện, sang cơ chế giá điện xác định theo thị trường và theo thoả thuận song phương giữa bên bán điện và khách hàng sử dụng điện.
Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một loạt các thách thức, vấn đề cần giải quyết liên quan đến hệ thống văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cải cách giá điện…
Để đảm bảo thuận lợi cho công tác phát triển thị trường bán lẻ điện, Đề án đưa ra một loạt các giải pháp, trong đó chú trọng vào việc tách bạch khâu phân phối và khâu kinh doanh bán lẻ điện, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng như các quy định, khung pháp lý đảm bảo sự ổn định trong quá trình vận hành thị trường điện.
Kế hoạch thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2022 đã được Bộ Công Thương xây dựng và triển khai thực hiện theo lộ trình, từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ theo quy mô tiêu thụ điện và theo cấp điện áp từ cao xuống thấp.
Trong đó, bước đầu tiên sẽ thí điểm cơ chế cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng song phương trực tiếp với các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…), tiến tới mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn (cấp điện áp 110 kV) được trực tiếp mua điện trên thị trường giao ngay và bước cuối cùng sẽ là các khách hàng bán lẻ điện quy mô nhỏ hơn được thay đổi đơn vị bán lẻ điện.
Bộ Công Thương cũng đang triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình thí điểm cơ chế hợp đồng trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn với các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Theo cơ chế này, các khách hàng sử dụng điện sẽ có quyền trực tiếp ký kết hợp đồng và thoả thuận giá điện trực tiếp với đơn vị phát điện NLTT.
Dự kiến Bộ sẽ triển khai áp dụng thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021 - 2023 với công suất dự kiến khoảng từ 400 đến 1000MW. Sau khi triển khai thí điểm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, tổng kết và chính thức triển khai áp dụng từ năm 2024.
Để chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện, hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý quy định phù hợp cho vận hành thị trường bán lẻ điện.
Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn các đơn vị liên quan về công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết để đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường bán lẻ điện.