Chất lượng sản phẩm của ngành Công nghiệp thực trạng và giải pháp

Thành tựu kinh tế to lớn mà Việt Nam đạt được trong những năm qua có đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để có được sự phát triển bền vững, cần có sự quan tâm, đánh giá đúng mức những

Quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp

Trong thời gian qua, Bộ Công nghiệp đã thực hiện rất nhiều biện pháp với nỗ lực tăng cường hơn nữa vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá công nghiệp. Các biện pháp cụ thể được thực hiện thường xuyên bao gồm: tăng cường xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm ngành công nghiệp, các đề tài khoa học tập trung nghiên cứu nâng cao công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và phổ biến sâu rộng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới. Trong giai đoạn những năm 1996 - 2001, Bộ Công nghiệp đã tổ chức hàng loạt các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các kỹ thuật quản lý chất lượng đến các doanh nghiệp. Chương trình hoạt động này đã huy động sự tham gia tích cực của các chuyên viên quản lý cấp bộ với vai trò là đầu mối phổ biến kiến thức và thậm chí chi tiết hơn dưới vai trò chuyên gia tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng mô hình hệ thống quản lý thích hợp. Chương trình hoạt động mạnh mẽ này đem lại kết quả là hầu hết các doanh nghiệp lớn của ngành công nghiệp đã tiếp cận với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, mỗi Tổng Công ty có ít nhất năm đơn vị áp dụng thành công và được cấp chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Các đơn vị này là hạt nhân quan trọng cho việc phát triển hệ thống quản lý chất lượng tới các đơn vị khác trong cùng một Tổng Công ty. Đã tạo được bước tiến mới, nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp công nghiệp, tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm được cải tiến và điều quan trọng hơn là cơ sở để mở rộng thị trường hàng công nghiệp Việt nam trong nước và nước ngoài.

Từ năm 2002, thông qua các chương trình hỗ trợ quốc tế, Bộ Công nghiệp đã chuyển hướng đào tạo, tập huấn cho hàng trăm lượt cán bộ chuyên viên cấp cơ sở, sở Công nghiệp trên phạm vi toàn quốc chương trình này và nó đã góp phần không nhỏ nâng cao hiểu biết về công tác quản lý chất lượng ở địa phương, đây được coi là đối tượng mới được hướng tới của công tác phổ biến kỹ thuật quản lý chất lượng theo hệ thống của Bộ Công nghiệp. Rất nhiều sở Công nghiệp, trên cơ sở chương trình đào tạo này đã lập kế hoạch và triển khai áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000:2000. Các sở Công nghiệp sẽ là nhân tố tích cực mới trong việc phổ biến, nhân rộng kiến thức quản lý chất lượng đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm qua đã dần dần lớn mạnh và đủ tiềm lực phát triển lên những tầm vóc cao hơn nhờ áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO 9000.

Thực trạng chất lượng sản phẩm ngành công nghiệp.

Với rất nhiều nỗ lực, các đơn vị ngành công nghiệp đang từng bước giải quyết các khó khăn trong quá trình hội nhập, tự tăng cường năng lực cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa, nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình. Các ngành công nghiệp do Bộ Công nghiệp trực tiếp quản lý gồm 86 sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc 05 phân nhóm ngành công nghiệp dưới đây.

Nhóm ngành cơ khí, thiết bị điện - điện tử

Đây là nhóm ngành có chủng loại sản phẩm rất đa dạng. Tuy năng lực sản xuất còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, nhưng trong những năm vừa qua, ngành đã đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của các ngành sản xuất khác (nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, xây dựng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản...)

Lĩnh vực máy và thiết bị công nghiệp sản xuất thiết bị toàn bộ, sản xuất dụng cụ và phụ tùng có nhiều khởi sắc và chiếm tỷ trọng khoảng 35-40% giá trị sản xuất. Ngành đã cung cấp nhiều chủng loại thiết bị toàn bộ với chất lượng đảm bảo như: thiết bị nhà máy xi măng lò đứng, thiết bị nhà máy đường, tuyển quặng apatit, thiết bị xử lý khí thải lò điện luyện thép, dây chuyền sản xuất bia, phân bón tổng hợp ... và thuỷ điện nhỏ đến 2.000 kW.

Nhìn chung, các sản phẩm và nhóm sản phẩm cơ khí có chất lượng khá tốt. Trên 50 doanh nghiệp lớn trong ngành đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000. Nhiều loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như đồng hồ đo điện, dây và cáp điện của Cadivi (đạt tiêu chuẩn IEC), một số loại tầu (tầu 11.500 tấn, 6.500 tấn, tầu xén thổi 1.000 - 1.500 m3/h, tầu dịch vụ), máy động lực cỡ nhỏ của Vinapro, Vikyno... đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nhóm sản phẩm hoá chất, hoá dầu

Nhóm này bao gồm các sản phẩm : phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất vô cơ cơ bản, sản phẩm cao su, chất tẩy rửa, sản phẩm điện hoá, sơn các loại, nguyên liệu hoá chất mỏ và các sản phẩm khác

Các loại phân bón do các đơn vị trong ngành công nghiệp sản xuất đều đáp ứng và từng bước thoả mãn yêu cầu của khách hàng, tuy nhiên về năng lực sản xuất của các đơn vị còn hạn chế.

Đối với sản phẩm cao su, các chủng loại sản xuất rất phong phú. Chất lượng và chủng loại đã đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước về lốp xe tải nhẹ, lốp máy kéo, xe nâng, xe đạp, xe máy do giá thấp. Các sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao mới đáp ứng được từ 20-30% nhu cầu. Một số thương hiệu nổi tiếng như Cao su Sao vàng, Casumina đã cạnh tranh thắng lợi đối với hàng hoá Trung quốc và chiếm tới 70% thị phần trong nước.

Sản phẩm điện hoá bao gồm ắc qui và pin đã được đầu tư khá mạnh với các thương hiệu được xây dựng bền bỉ nhiều năm qua bằng chất lượng và thông tin đến khách hàng. Pin và ắc qui của Pinaco, Pin Hà nội, ắc quy Tia sáng .... đã được các hãng lắp ráp ôtô, xe máy sử dụng thay thế hàng nhập khẩu do chất lượng tốt. Pin của Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường trong nước, cạnh tranh thắng lợi với pin Trung Quốc. Đó là do công tác đầu tư sản xuất của các công ty sản xuất các sản phẩm này đã được tiến hành sớm và đúng hướng.

Sản phẩm kim loại, phi kim loại

Các sản phẩm thép phổ biến là thép cácbon thấp và trung bình và có một phần thép hợp kim thấp.

Nhìn chung, các sản phẩm thép xây dựng đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Sản phẩm của TCTy Thép Việt Nam và của khối liên doanh có chất lượng tốt, một số công ty đã xây dựng được thương hiệu uy tín. Các công ty đều có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Riêng sản phẩm của các cơ sở tư nhân sản xuất thủ công chất lượng còn thấp.

Nhóm sản phẩm công nghiệp dệt may - da giầy

Cả nước hiện có trên 1000 doanh nghiệp dệt may. Hàng may mặc nhìn chung đã được đổi mới khá nhiều về thiết bị, công nghệ, do đó chất lượng sản phẩm và giá thành có thể canh tranh được với các nước trong khu vực để đẩy mạnh xuất khẩu. Sản phẩm tơ tằm được coi là mặt hàng có triển vọng mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn cho Việt Nam trong những năm tới. Khả năng cạnh tranh của tơ Việt Nam chỉ kém tơ Trung Quốc, trong khi đó, lụa lại có chất lượng cao hơn của Trung Quốc (do không pha nilon). Nhìn chung, sản phẩm tơ tằm của Việt Nam có thể cạnh tranh được với sản phẩm tơ tằm của các nước ASEAN và thị trường tiêu thụ tơ của Việt Nam đã tương đối phát triển, trong đó có các nước ASEAN.

Trong số trên 70 doanh nghiệp nhà nước xuất ngành dệt may đã có trên 40 đơn vị áp dụng và được cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2000, bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp dệt may lớn và cả các đơn vị nghiên cứu thử nghiệm như Viện Kinh tế kỹ thuật dệt may.

Nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến từ nông nghiệp

                Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khu vực công nghiệp rượu bia và nước giải khát là những cơ sở bia lớn hoặc mới được đầu tư (bia Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng...) sử dụng thiết bị công nghệ nhập ngoại của Đức và Đan Mạch nên chất lượng bia cao, sản phẩm chiếm thị phần lớn trong nước (riêng bia Hà Nội và Sài Gòn chiếm hơn 35% thị phần).

Các doanh nghiệp lớn ngành sữa (Vinamilk, Foremost) cũng đã mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, nâng cấp nhà máy. Thiết bị cũng như công nghệ trong ngành đều do các công ty nổi tiếng trên thế giới như Tetrapak (Thuỵ Điển), APV (Đan Mạch), các công ty của Mỹ, Đức, Thuỵ Sỹ ... Có thể nói ngành Sữa Việt Nam đã đạt tới trình độ hiện đại của thế giới về công nghệ lẫn trang thiết bị. Do đó, sản phẩm của ngành đã đạt mức chất lượng cao như sữa đặc có đường, sữa tươi tiệt trùng, các loại sữa chua trái cây, sữa chua uống, sữa đậu nành, kem các loại... Ngoài hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, các đơn vị còn áp dụng các hệ thống quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như GMP, HACCP ...

Ngành giấy và dầu thực vật cũng đã xây dựng được một số thương hiệu có uy tín với chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng còn tương đối hạn chế về kỹ thuật và công nghệ (giấy Bãi bằng, Tân Mai, dầu Tường an ...). Hai cơ sở hiện đại nhất là Giấy Bãi Bằng và Giấy Tân Mai đều có công nghệ của những năm 1970. Cần phải có những nỗ lực to lớn của các đơn vị sản xuất và quản lý mới có thể giúp cho những đơn vị này tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Những giải pháp trong thời gian tới

Tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy hiệu quả của các phương pháp quản lý chất lượng như TQM, ISO 9000, HACCP ... đầu tư sâu hơn vào các công nghệ quản lý tiên tiến có áp dụng công nghệ thông tin.

Tiếp tục chương trình đào tạo, hỗ trợ các địa phương thông tin và kiến thức về các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (5S, ISO 9000, TQM...) để các thông tin này được phổ biến sâu rộng hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương.

Đẩy mạnh và tăng tốc công tác điều tra trình độ công nghệ các sản phẩm ngành công nghiệp.

Xây dựng và liên tục theo dõi để điều chỉnh các quy hoạch cụ thể về đổi mới công nghệ, tạo các sản phẩm công nghiệp mới, chất lượng cao đi đôi với việc thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ, đổi mới sản phẩm.

Tìm biện pháp đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm gắn chặt hơn các cơ quan nghiên cứu với đơn vị sản xuất.

  • Tags: