Tuy nhiên, tình hình sản xuất CN-TTCN của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, phát triển chưa xứng với tiềm năng. Số cơ sở sản xuất TTCN còn ít, sản phẩm còn đơn giản, chất lượng thấp, phần lớn chỉ tiêu thụ trong Tỉnh, chưa có khả năng phát triển ra thị trường ngoài Tỉnh. Năng lực quản lý ở một số đơn vị sản xuất còn hạn chế, chậm tiếp cận thông tin, chưa đổi mới quản lý, tiếp thị, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng sản phẩm, cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ… Hoạt động sản xuất hàng CN-TTCN thiếu sự tập trung, còn mang tính tự phát, tản mạn, phân bố rải rác. Hầu hết lao động không được đào tạo, tay nghề thấp, thiếu sáng tạo và hiệu quả. Thêm vào đó, số lượng đối tượng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công còn ít, hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, các dự án RIDP… bị trùng lặp, chế độ, chính sách khuyến công còn thiếu, chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong quá trình thực hiện còn chồng chéo. Đặc biệt, khuyến công là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, việc quảng bá, thông tin, tuyên truyền về các chế độ, chính sách khuyến công lại chưa theo kịp với tình hình thực tế, nên một số ngành, cấp quản lý có thẩm quyền chưa có quan điểm thống nhất về công tác khuyến công, gây nhiều khó khăn trong quá trình xét và phê duyệt các đề án, dự án khuyến công. Tổ chức bộ máy khuyến công còn yếu, thiếu cán bộ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm, nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Tuyên Quang được thành lập ngày 8/7/2005. Với sự ra đời này, bộ máy khuyến công Tuyên Quang có thêm một đòn bẩy tiếp sức cho ngành Công nghiệp của Tỉnh phát triển. Những kết quả của công tác khuyến công Tuyên Quang trong năm 2006 đã nói lên điều đó.
Trong năm qua, Tuyên Quang có 2 cơ sở được hỗ trợ 81 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là HTX Công nghiệp Thái Sơn và HTX Sơn mài chắp nứa xuất khẩu Hoàng Lợi. Nhờ sự hỗ trợ này, hai HTX đã tổ chức được 6 lớp đào tạo nghề và tạo việc làm cho 180 lao động nông thôn. Hiện tại, các lớp học đã kết thúc và được đánh giá là hiệu quả, tạo được nhiều nghề cho lao động nông thôn. Về khuyến công địa phương, Tuyên Quang được phê duyệt 2 đề án khuyến công trị giá 34,4 triệu đồng để mở 3 lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động thuộc cơ sở sản xuất mũ cối của ông La Tất Thắng và cơ sở sản xuất mành gỗ của ông Tưởng Phi Mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 12/6/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2006- 2010, Trung tâm Khuyến công đã khảo sát tình hình phát triển ngành nghề tiểu thủ Công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, để lập đề án phát triển TTCN và làng nghề tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006- 2010 trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ kết quả khảo sát của đề án này, Trung tâm Khuyến công Tuyên Quang đã đề ra kế hoạch khuyến công cho năm 2007. Theo đó, Tỉnh sẽ tập trung vào việc triển khai xây dựng và công nhận các làng nghề chổi chít, sơn mài, chắp nứa xuất khẩu và làng nghề mây tre đan, tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN có dự án đầu tư phát triển sản xuất. Tổng kinh phí khuyến công dự kiến khoảng 1,232 tỷ đồng, trong đó, khuyến công Quốc gia là 456,1 triệu đồng và khuyến công địa phương là 775,9 triệu đồng, chủ yếu dành cho các hoạt động: Đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tham quan khảo sát, hỗ trợ hình thành cụm điểm công nghiệp, xây dựng điểm trưng bày sản phẩm…
Trong giai đoạn tới, để hỗ trợ ngành Công nghiệp và công tác khuyến công tỉnh Tuyên Quang đạt được kết quả cao hơn, cần khắc phục những tồn tại, yếu kém. Điều này đỏi hòi các ngành, các cấp phải cùng quan tâm, nghiên cứu đổi mới hơn nữa công tác quản lý, tạo môi trường thông thoáng, hoàn thiện các chính sách, để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động khuyến công ngày càng phát triển và có hiệu quả.