Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện nay yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong lĩnh vực báo chí. Một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Do đó cần phải hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh, quản lý kịp thời, phù hợp.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
Đáng chú ý, chính sách đầu tiên được đề cập là "Phát triển mô hình tập đoàn báo chí" với mục tiêu hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.
Tờ trình nêu rõ, "Bổ sung quy định cụ thể cho phép sự hình thành của mô hình tập đoàn báo chí thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó có một cơ quan báo chí giữ vai trò như cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc."
Về điều kiện để hình thành tập đoàn báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan báo chí có thể có một hoặc nhiều cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc.
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức khác theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Thực tế tại Việt Nam, hiện có Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được tổ chức theo mô hình tổ hợp báo chí, bao gồm một cơ quan báo chí chủ quản có phát hành các sản phẩm báo chí (các kênh phát thanh VOV, kênh truyền hình VTV).
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí con trực thuộc cơ quan báo chí chủ quản (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Báo điện tử VTV), mỗi đơn vị được quản lý bởi Tổng giám đốc và có Tổng biên tập riêng, được cấp giấy phép hoạt động báo chí riêng.
Ngoài VOV và VTV, hiện có Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng được tổ chức theo mô hình tổ hợp. Tuy nhiên, TTXVN có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định của Chính phủ, vừa sản xuất sản phẩm báo chí là các bản tin thông tấn vừa là cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí trực thuộc như báo điện tử Vietnamplus, Báo Thể thao và Văn hóa, Báo Tin tức, Báo Việt Nam News...
Như vậy, VOV, VTV và TTXVN là các cơ quan báo chí quốc gia đặc thù và trực thuộc Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước.
"Tính đến nay, chưa từng phổ biến mô hình tập đoàn báo chí tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí khác, ngoài 3 cơ quan trên, đều là các các cơ quan báo chí đơn lẻ, thường có 1 - 2 loại hình (in và điện tử).
Chưa tụ hợp dưới dạng các tổ hợp, tập đoàn lớn để có thể tận dụng được tiềm lực về nhân lực và vật lực thúc đẩy phát triển kinh tế quy mô, để có nguồn thu lớn giúp cho việc tăng nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm mới, thu hút bạn đọc nhiều hơn", cơ quan quản lý đánh giá.
Đồng thời, rất nhiều cơ quan báo chí trong mô hình này gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động do thiếu tiềm lực kinh tế, chưa tự chủ được tài chính. Điều này là càng cần thiết trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức về tự chủ tài chính trong những năm gần đây.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thấy rằng việc lựa chọn nội dung giải pháp trên là phù hợp, đáp ứng yêu cầu sự phát triển, hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin.
"Việc phát triển mô hình tập đoàn báo chí cũng là hướng đi tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, có uy tín và vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội", Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại tờ trình.