Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận định mức nhà ở xã hội từ 10% lên 15%.
Về vấn đề này, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát và thấy rằng việc nâng lợi nhuận như vậy sẽ làm tăng giá bán nhà cho người thu nhập thấp.
"Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay sản xuất đầu tư đạt lợi nhuận 10% là quá tốt. Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính; địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp "mặn mà" đầu tư các dự án nhà ở xã hội do tiếp cận tín dụng, quỹ đất còn gặp khó.
Về quỹ đất, trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Thời gian tới, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.
"Tới đây việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội sẽ do UBND cấp tỉnh. Như vậy sẽ dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp điều kiện và quy hoạch", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
Về tiếp cận vốn, thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, giãn nợ… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói 120.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất thương mại.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định trong giai đoạn tới nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Theo Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 09 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 06 dự án quy mô 7.730 căn; nhà ở công nhân có 03 dự án quy mô 11.038 căn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Bộ Xây dựng đã 03 lần công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đủ điều kiện được vay gói 120.000 tỷ đồng. Theo đó, có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô:19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.