Nhọc nhằn dự án trường đua
17 năm “thai nghén” ý tưởng, 3 năm nghiên cứu, thuyết phục hàng chục cơ quan Nhà nước, cuối cùng ông Nguyễn Ngọc Mỹ cũng có được giấy phép xây dựng trường đua chó ở Vũng Tàu. Là Việt kiều sống ở Úc, nghề nghiệp chính là kỹ sư xây dựng, song do quá đam mê với môn đua chó, nên khi về nước ông quyết tâm cho ra đời bộ môn giải trí này tại quê hương.
“Ông có phiêu lưu không khi đua chó còn quá xa lạ với người Việt Nam. Đua ngựa hấp dẫn là thế mà còn hết trồi lên lại sụt xuống, đằng này lại đua chó?”, tôi hỏi, ông Mỹ trả lời: “Đã gọi là làm ăn thì phải biết chấp nhận phiêu lưu chứ, nhưng tôi tin mình sẽ thành công”. Vậy là một dự án liên doanh giữa SES (Sport Entertaiment Service - Công ty Dịch vụ giải trí thể thao, do ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Tổng giám đốc) và ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ra đời. Ngành thể thao Tỉnh cũng được mời tham gia, vì sân vận động Lam Sơn được chọn làm nơi xây dựng trường đua chó.
Vừa mới triển khai xây dựng được vài ngày, lãnh đạo Tỉnh nhận được hàng chục lá đơn của người dân khiếu nại SES chiếm dụng sân vận động, không còn chỗ cho thanh thiếu niên trong Tỉnh tập luyện. Tuy nhiên, khi hiểu ra thì mọi chuyện khá suôn sẻ. Đua chó chỉ diễn ra hai tối trong tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), trên đường chạy vòng ngoài sân, nên không ảnh hưởng gì. Chẳng những vậy, mặt sân còn được trồng cỏ, làm mới lại hoàn toàn, đá bóng thật tuyệt.
Xem đua chó …
Như môn đua ngựa, đầu tư cho đua chó cũng tốn kém và lắm công phu. Ôm theo vòng đua rộng 6 mét, dài 294 mét, người ta xây một đường trượt để cho một con “thỏ mồi” chạy phía trước. Do có mùi “đáng ghét” nên “thỏ mồi” này sẽ hút các “vận động viên chó” đuổi theo như trong một cuộc săn thật sự (tốc độ có thể lên đến… 60 km/giờ). Con nào về trước, con đó thắng cuộc. Tuy nhiên, khác với ngựa, đường chạy cho chó được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Quan trọng nhất là lớp cát phủ lên bề mặt. Cát được xử lý theo mẫu lấy từ trường đua của Úc: Không được mềm quá (chó sẽ bị lún, không chạy nhanh được) và cũng không được cứng quá (chân chó trầy xước sẽ bị nhiễm trùng).
Nhưng xem đua chó mà không ủng hộ “phe” nào thì thật đơn điệu và chán ngắt. Ủng hộ tích cực nhất thì chỉ có cá cược, và đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất của loại hình giải trí này. Theo ông Mỹ, sẽ có 2 mức cá cược: Dưới 50.000 đồng cho khách ngồi ở tầng 1 và không giới hạn cho khách VIP ngồi ở tầng 2. Việc quản lý và chi trả tiền thắng cược cho khách đều thực hiện bằng máy tính, vừa nhanh lại vừa chính xác. Máy liên tục thông báo tỷ lệ thắng độ của mỗi con chó cho người chơi. Tỷ lệ này lên xuống tùy theo tổng số tiền đặt vào. Ít người đánh, tỷ lệ sẽ càng cao. Chỉ 30 giây sau khi cuộc đua hoàn tất, người thắng cuộc sẽ được nhận tiền ngay.
Nếu trong đua ngựa, ngựa được xếp theo nhóm để tranh đua công bằng, thì chó cũng dự đua theo nhóm: Những con nào có thành tích xấp xỉ nhau ở lần đua trước sẽ chạy chung. Ngựa đua có tên Bạch Tuyết, Hùng Cường, Madonna… thì chó đua cũng có tên. Tuy nhiên, do được nhập từ nước ngoài về, nên có lẽ chúng sẽ phải mang kèm một tên Việt Nam cho phù hợp. Chứ như Jimmy, Bill, Black hay White… thì mệt cho người bình dân quá! Nhưng điều quan trọng nhất là, chó tự chạy không cần ai điều khiển như ở đua ngựa, nên tránh được hiện tượng “bán độ” như trong đua ngựa. Mỗi con dự tranh sẽ mặc một màu áo khác nhau, có kèm số hiệu (mang suốt đời). Có camera theo dõi tốc độ và xác định thành tích nên ăn gian cũng khó. Ngoài ra, mỗi lần đua đều có sự giám sát của đại diện 4 bên, gồm: Công ty SES, Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành thuế và Sở TDTT. Ông Mỹ hồ hởi cho biết: “Mọi việc đều được kiểm soát chặt chẽ và theo International standard (tiêu chuẩn quốc tế)”. Điều làm cho người giám đốc 56 tuổi này hãnh diện không kém là khu khán đài 3.000 chỗ được ông cải tạo lại rất đẹp và lịch sự. Tầng dưới dành cho khách bình thường, tầng trên dành cho khách VIP - được trang bị máy lạnh. Trẻ em được miễn vé vào cửa.
Và… trại “VIP” dành cho chó đua
Nói đến đua chó mà không đề cập đến “nhân vật chính” thì quả là thiếu sót. Không phải chó nào cũng đua được, mà phải là giống Greyhound - cao, to, mõm nhọn, có tập quán săn bắt theo bầy. Chó nhập từ Úc, nhưng thật sự lấy giống Ireland, mỗi con về tới Việt Nam có giá gần… 2.000 USD.
Nếu có dịp đến Bà Rịa, bạn hỏi người dân địa phương trại nuôi chó đua ở đâu thì ai ai cũng biết. Từ ngoài đường lớn vào, lần theo một con đường đất độ 2 km là đến khu trại nuôi chó rộng 10 hécta, có tường đá bao quanh. Bốn dãy nhà hình chữ nhật dùng làm nơi cho chó ở. Mỗi con được nhốt trong một ngăn riêng và có thể chạy ra ngoài hóng mát qua một ô cửa nhỏ. Trong nhà, mỗi con đều có nửa chiếc ghế bố dùng làm nơi “ngả lưng qua đêm”. Chó Greyhound thật hiền, chúng chẳng hề sủa khi có người lạ, mà cũng không “lớn tiếng” dù sống cạnh nhau cả chục con. Nằm biệt lập với dãy chuồng là nhà ăn. Dưới quyền chỉ huy của một “bếp trưởng” người Úc, tại đây mỗi ngày 4 nhân viên người Việt có nhiệm vụ chế biến thức ăn cho chó. Bữa sáng đơn giản, chỉ gồm bánh khô được trộn sẵn các vitamin và nguyên tố vi lượng. Bữa ăn chiều thì phức tạp hơn: Thịt kangaroo được cắt lát, nhào trộn với một số chất và định lượng cẩn thận trước khi cho chó ăn. “Tại sao lại là thịt kangaroo?”, tôi hỏi. Ông Mỹ đáp: “Thật ra, chó ăn thịt nào cũng được, nhưng mua thịt trâu, thịt bò ở trong nước thì không kinh tế. Đành nhập thịt kangaroo từ Úc về”.
Chó đua không bệnh tật nhiều. Thường gặp nhất là sán lãi. Tuy nhiên, trại nuôi cũng có riêng một bác sĩ thú y. Cách xa nhà ăn 20 mét là bệnh viện dành riêng cho chó đua: Một dãy nhà khá rộng gồm nhiều phòng ốc, trong đó có cả phòng chụp X-quang và phòng giải phẫu. Chó Greyhound được 2 tuổi là có thể đua được. Mỗi con có thể thi đấu phục vụ trong 4 năm. Mỗi sáng, tất cả chó đua được luân phiên dắt ra ngoài tập luyện.
Đua chó, môn giải trí còn xa lạ tại nước ta. Cũng như những cái mới khác, nó cũng tạo ra lắm “dị ứng” cho nhiều người. Chưa ai khẳng định được kết quả, nhưng ông Nguyễn Ngọc Mỹ tin rằng, đây cũng là một cách để tạo ra nét hấp dẫn mới cho ngành Du lịch nước nhà. Cạnh ta, chỉ có Trung Quốc là có môn đua chó này. Các nước trong khối ASEAN thì chưa có. Đến thành phố biển Vũng Tàu, ban ngày khách du lịch tắm biển, tối đến xem đua chó, cũng có cái để giải trí. Không chỉ vậy, đua chó cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Trong tương lai, ông Mỹ dự định mở xí nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm tại chỗ dành riêng cho các chú khuyển đua này, lập xưởng cơ khí làm chuồng lồng phục vụ thi đấu. Xa hơn, ông Mỹ còn tính đến việc gây giống chó đua và xuất khẩu chó con sang các nước lân cận khi có nhu cầu.