“Đúng mực” với giấy phế liệu

Sử dụng nhiều giấy phế liệu để tái chế với công nghệ cao, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường là điều mà quốc gia nào cũng hướng đến. Hiện nay, các nhà máy giấy tại Việt Nam đang sử dụng nguyê
Nhập cho “lành”

Thực tế là ngành Giấy Việt Nam lâu nay rơi vào tình trạng nhập khẩu giấy phế liệu từ nước ngoài với tỉ lệ bình quân từ 30 - 45% tổng khối lượng dùng để sản xuất bột giấy trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nguồn giấy này ở trong nước chưa được thu hồi hết và phải tốn nhiều chi phí xử lý rác thải hàng năm. Theo Tạp chí Công nghiệp Giấy, từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng của Việt Nam dưới 30%. Ở các nước khác tỉ lệ này rất cao, ví dụ như Mỹ đạt tỉ lệ 87%, Nhật 74%, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đều có tỉ lệ thu hồi trên 60%.

Thực tế trên cho thấy thị trường giấy phế liệu nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được khai thác hợp lý. Nếu tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng của Việt Nam có thể tăng lên gấp đôi thì không những không cần nhập khẩu giấy phế liệu, mà còn có thể thay thế một phần các nguồn nguyên liệu khác như gỗ, đay...

Vậy vì đâu mà các doanh nghiệp Việt Nam ít chú trọng đến việc thu gom giấy phế liệu trong nước? Có thể đó là vì chưa có quy định và tiêu chuẩn cho công nghiệp tái chế ở Việt Nam, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động thu gom vật liệu tái chế chậm phát triển và chưa có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế. Cụ thể, nếu nhập khẩu giấy phế liệu thì thuế suất thuế nhập khẩu là 0%, được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào vì có hóa đơn mua hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp thu gom giấy phế liệu trong nước chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu có hóa đơn. Và rất dễ hiểu, hóa đơn cho nguồn giấy phế liệu vốn được thu gom từ những người mua ve chai đơn lẻ là gần như không thể. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức nhập khẩu. Hơn nữa, giấy phế liệu nhập từ nước ngoài đã được phân loại và đóng kiện sẵn, doanh nghiệp chỉ cần nhập về rồi đưa vào sản xuất mà không phải phân loại.

Một ví dụ cụ thể cho thấy rõ vì sao doanh nghiệp ưu tiên nhập khẩu giấy phế liệu. Đó là Công ty CP Giấy Sài Gòn. Đầu tư công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, trước đây Giấy Sài Gòn là một trong những công ty sử dụng chủ yếu giấy phế liệu để sản xuất thành phẩm. Nhưng tháng 9 vừa qua, Công ty đã mở rộng công suất sản xuất giấy tiêu dùng lên gần 44.000 tấn/năm (gấp gần 3 lần công suất cũ) và giấy công nghiệp từ 53.000 tấn/năm lên 224.000 tấn/năm. Để đáp ứng nguyên liệu cho công suất mới, Công ty cho biết sẽ nâng tỉ lệ nhập khẩu giấy phế liệu từ khoảng 30% lên 50% vì hệ thống thu gom giấy phế liệu trong nước còn lẻ tẻ, phải xử lý, phân loại phức tạp và không được hoàn thuế giá trị gia tăng dẫn đến chi phí bị đội lên.

Theo kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy bằng cách “xem chuỗi thu gom giấy đã qua sử dụng, phân loại, đóng bánh, phân phối giấy thu gom, tái chế giấy là loại hình kinh doanh và tiêu dùng không chịu thuế”. Việc các doanh nghiệp sản xuất giấy từ giấy phế liệu trong nước vẫn phải đóng thuế giá trị gia tăng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn nhất quyết chọn hình thức nhập khẩu giấy phế liệu.

Hệ lụy đến đâu?

Đó là thiệt hại kép. Việc nhập khẩu giấy phế phẩm từ nước ngoài khiến cho nền kinh tế phải tốn hằng trăm triệu USD mỗi năm, đồng thời, còn phải tốn chi phí cho việc thu gom và xử lý rác từ giấy phế liệu.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2014, Việt Nam sẽ tốn thêm 240 tỉ đồng để xử lý giấy thải nếu 800.000 tấn giấy này không được các doanh nghiệp thu mua. Tốn tiền là vậy, việc chôn lấp hay đốt bỏ giấy phế liệu còn gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí và nước khi giấy bị phân hủy ở bãi chôn lấp... Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới như Mỹ đã có những quy định như giấy thành phẩm được tái chế từ giấy phế liệu phải chiếm tỉ trọng cao trong tổng sản lượng giấy cung ứng hằng năm. Các nước khác thì có chính sách khuyến khích việc thu gom giấy phế liệu để tái chế bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tương ứng với số tiền đáng lẽ họ phải bỏ ra để xử lý rác thải.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Việc nhập khẩu giấy phế liệu làm chúng ta vô tình lãng phí một nguồn tài nguyên khổng lồ để tạo ra giấy thành phẩm, trong khi giấy nguyên liệu có thể được tái chế lặp lại 6 lần trước khi bị tiêu hủy. Và để có đủ nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp chọn lựa công nghệ sản xuất giấy từ nhiều nguồn nguyên liệu khác như gỗ, tre, nứa, đay..., dẫn đến tốn kém trong việc trồng vùng nguyên liệu rộng lớn và gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất giấy từ những nguyên liệu này. Theo xu hướng thân thiện môi trường mà nền công nghiệp giấy trên thế giới đang hướng tới, việc nhiều nhà máy chọn công nghệ sản xuất giấy từ gỗ cây là do nhiều người thích sử dụng giấy làm từ bột gỗ nguyên thủy chứ không thích sử dụng hàng tái chế vì cho rằng thiếu vệ sinh. Đây là một quan niệm sai lệch, thiếu hiểu biết về khoa học. Thực tế việc tái chế giấy nguyên liệu nếu làm đúng quy trình và sử dụng công nghệ hiện đại thì sẽ không độc hại và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Ở những nước phát triển và yêu cầu cao về vấn đề chất lượng, vệ sinh như Mỹ có đến hơn 80% giấy đang sử dụng được tái chế từ giấy phế liệu thì tại sao Việt Nam lại không tận dụng nguồn giấy này là một vấn đề cần được xem xét.

Để sản xuất ra 1 tấn bột giấy (giấy thành phẩm) thì chỉ cần 1,4 tấn giấy phế liệu, nhưng phải cần đến 2,2 - 4,4 tấn gỗ. Với cùng 1 tấn bột giấy, nếu tái sử dụng giấy phế liệu sẽ giúp tiết kiệm 24 cây rừng tự nhiên (tương đương 2,2 - 4,4 tấn gỗ). Ngoài ra, phương pháp sử dụng giấy phế liệu còn có thể tiết kiệm được lượng oxy đủ cho 12 người thở và lượng điện đủ dùng cho một căn nhà với 3 phòng ngủ trong 1 năm, cộng với 40.000 lít nước, 600 lít dầu thô và giảm 95% lượng khí thải ô nhiễm so với sản xuất bột giấy từ gỗ.