Dương Liễu “gồng mình” trong ô nhiễm

Mặc dù sản xuất, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, nhưng nghề chế biến nông sản ở các xã Cát Quế, Minh Khai, La Phù, đặc biệt là Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Tây), trong nhiều năm qua không những luô

 

30 năm – sống cùng nước thải.

Từ trên đê nhìn xuống, Dương Liễu giống như một trận địa giả mịt mù khói bụi… Diện tích đất hẹp thì lấy đâu đường làng, đường xã rộng? Toàn xã chỉ có 1,5 km đường nhựa và bê tông nhưng đang xuống cấp, còn lại là đường cấp phối xấu. Đường đã hẹp lại còn phải chừa ra mỗi bên mép, sát với tường nhà vài chục cm để làm hệ thống cống rãnh thoát nước để trần. Một cán bộ địa phương cho biết, thực ra, xã đã rất quan tâm trích quĩ từ nguồn ngân sách, rồi nhân dân đóng góp tiền tu sửa, nâng cấp đường xá, nhưng không thể nào ngăn được sự xuống cấp nhanh chóng. Hàng ngày, công nông, xe tải, xe bò, xe ba gác, xe máy, xích lô, xe đạp thồ chở đầy hàng qua lại như mắc cửi. Vào chính vụ, lượng xe có thể tăng gấp đôi, gấp ba, chạy suốt ngày, suốt đêm thế làm gì có con đường nào chịu nổi?

Ô nhiễm do bụi cát, bụi than thì nhiều nơi chung cảnh, chả riêng gì Dương Liễu. Nhưng ở đây có thứ ô nhiễm vô cùng độc hại, nguy hiểm là nước thải.

Người ta ước tính, ở Dương Liễu, mỗi ngày có tới hàng ngàn mét khối nước thải được tuôn ra. Nó chứa các chất tẩy rửa hóa học, mang tính axit, kiềm, qua quá trình phân huỷ tạo ra những mùi hôi thối khó tưởng tượng. Hơn nữa, hệ thống chứa dẫn nước thải rất kém, thường xuyên ứ đọng, tắc nghẽn. Toàn bộ nguồn nước tầng ngầm bị ô nhiễm nặng. Hàng trăm giếng khơi bỏ xó, trong các ao tù, nước đen ngòm sánh lại, không loài thủy sản nào có thể sống nổi. Ngay cả các sản phẩm tinh bột (nha, miến, bún khô…) phơi lồ lộ ngoài trời cũng dễ bị vi khuẩn từ các chất cặn bãi thải rắn (ngày tuôn ra hàng chục tấn) và thải lỏng xâm nhập. Đường ngõ, vườn tược (chiếm tỷ lệ thấp) không có lấy một bóng cây xanh. Một cán bộ lão thành đã phàn nàn: “Đất đai chật chội, đến mặt bằng sản xuất còn thiếu thì lấy đâu ra đất cho cây mọc. Vả lại, nếu có trồng thì cây cũng chẳng thể lên nổi”.

Hoàn cảnh ở làng nghề là vậy, nhưng con người vẫn cứ phải “gồng mình” mà sống. Vì mưu sinh, vì vật chất, nên ai cũng đành cam chịu sống chung với rác rưởi, với nước thải.

Lạ một điều là không ai tính chuyện bỏ nghề. Một người dân lý giải: “Giá tôi bỏ nghề nhưng xung quanh người ta không bỏ, thì bằng hòa cả làng! Tôi thiệt mà vẫn không thoát cảnh sống bên rác. Vậy thì cùng làm để cùng nhau sống cảnh “mở mắt ra là nom thấy rác, xuống sân, bếp vấp phải rác, ra ngõ gặp nước thải”!

Hàng ngày, người dân sinh hoạt bằng thứ nước ô nhiễm nặng. Hiện nay, 100% số hộ dùng nước giếng khoan, mà với tình trạng ô nhiễm như vậy, nguồn nước thật khó có thể được bảo đảm nếu không muốn nói là rất độc. Ngày mưa, nước cống rãnh do bị tắc nghẽn thoát không được mới ứ đọng, dềnh lên mặt đường, tràn vào sân, vào cả trong nhà, hôi thối nồng nặc. Ngày nắng, ruồi nhặng, muỗi, bọ bu bám, mùi bốc lên càng ghê sợ, xông từ đầu làng tới cuối làng. Tình trạng ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Những bệnh phổ biến người dân thường mắc phải là: ngoài da, đường ruột, đau mắt, phụ khoa, sốt xuất huyết, bướu cổ, phù thủng… Về lâu dài mà nói, môi trường ở đây luôn tiềm ẩn những căn bệnh khó lường gây ra cho con người.

Hướng đi nào cho làng nghề?

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, năm 1998, một dự án môi trường về xử lý chất thải làng nghề tại 3 xã này đã được triển khai. Theo đó, hệ thống mương tiêu thoát nước được xây dựng để chứa toàn bộ nguồn nước thải từ Dương Liễu, một phần của Minh Khai và Cát Quế.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai dự án cho đến nay vẫn chưa hoàn thành và gần như không có tính khả thi. Riêng Dương Liễu đã cho xây dựng một nhà máy vi sinh để xử lý chất thải, cũng như xây dựng hệ thống giếng bơm nước tới các hộ gia đình. Nhưng công trình mới hoàn thành mặt bằng qui hoạch, tường bao, khu phòng làm việc; khi đang xây hệ thống bể lọc thì đã phải bỏ dở, các trang thiết bị kỹ thuật chưa có vì vốn đầu tư cho dự án quá tốn kém, vượt quá khả năng của chủ đầu tư.

Trong bối cảnh đó, căn cứ vào đặc điểm, điều kiện thực tế của mình, mỗi xã đã xây dựng qui hoạch tổng thể và có kế hoạch từng năm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đồng thời, tiếp nhận một số tiểu dự án của Chương trình nước sạch nông thôn. Tại các xã, cũng đã hình thành qui chế, qui định vệ sinh môi trường trên địa bàn; thành lập các tổ vệ sinh môi trường ở các thôn xóm. Nhưng tất cả những nỗ lực này cũng không thấm vào đâu. Nguyên nhân do lượng chất thải hàng ngày tuôn ra rất lớn, không kịp xử lý, trong khi hệ thống xử lý chưa đồng bộ, xuống cấp nhanh. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các xã nói trên, khi trước mắt chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, chúng tôi đề nghị:

Cần phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, cũng như trộn các chất thải. Mọi qui chế, qui định về vệ sinh môi trường đề ra phải được thực hiện nghiêm ngặt, được phổ biến, cụ thể hóa tới từng thôn, xóm và có kiểm tra giám sát thường xuyên. Chất thải rắn cần có khu chứa riêng, xa khu dân cư; mỗi xóm thành lập ra nhiều tổ thu gom, dọn vệ sinh. Đối với các chất thải lỏng, cần phải chú trọng khâu nạo vét, khơi thông dòng chảy. Những công việc đó phải được tiến hành hàng ngày, hàng tuần. Làm không xuể thì thành lập thêm tổ thu gom rác; các hộ dân có nghĩa vụ đóng góp tiền.

Mặt khác, phải bố trí các khu vực có đất trống, chọn mua các loại cây thích hợp về trồng. Bên cạnh đó, cần kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan chức năng; kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, huy động sức dân… Bởi lẽ, không có lý do gì mà dự án đang tiến hành xây dựng thì phải bỏ dở do thiếu tiền? Từ đó, tiến tới hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và đi vào hoạt động, xây dựng lò đốt, quy hoạch lại các điểm chứa chất thải hợp lý… Có như vậy, người dân mới có cơ may được sống trong môi trường không khí trong lành, yên tâm làm ăn, làm giàu cho bản thân và quê hương.

  • Tags: