Đường ống dẫn khí Sila Siberia khiến tăng cạnh tranh ở thị trường LNG Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu tích cực sử dụng khí đốt trong nhiệt điện thay cho than, do vậy, nhu cầu về khí đốt đã tăng 19% lên 280 tỷ m3, trong đó, nhập khẩu chiếm 124 tỷ m3 (LNG chiếm 74 tỷ m3, tăng 42%).

duong ong sila siberia

 

Hiện nay, Úc là nước cung cấp LNG lớn nhất cho Trung Quốc (42%), tiếp đó là Quatar và Indonesia. Năm ngoái, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu LNG lên 42%. Sau khi đường ống dẫn khí Sila Siberia của Nga đi vào hoạt động và cấp khí cho thị trường Trung Quốc, LNG của Úc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 47 tỷ m3 thông qua đường ống từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan. Sila Siberia sẽ đạt công suất thiết kế vào năm 2025, trước đó, vào năm 2022 công suất sẽ đạt khoảng 16 tỷ m3. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thị trường LNG Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt 109 tỷ m3 vào năm 2024. Ngoài các đường ống khí có mặt tại thị trường Trung Quốc, mối đe dọa chính đối với thị phần LNG tại đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc và sản lượng khí đốt khai thác nội địa. Các công ty dầu khí Trung Quốc có kế hoạch tăng sản lượng khai thác đến cuối năm 2020 từ 161 tỷ m3 lên 360 tỷ m3.

Đường ống dẫn khí Sila Siberia của Gazprom cung cấp khí từ vùng Irkutsk và Yakutsk của Nga sang khu vực Viễn Đông và Trung Quốc (nhánh đông). Đường ống này có độ dài gần 3.000km, đường kính 1,42m, công suất 38 tỷ m3/năm. Tháng 5/2014, Gazprom và CNPC Trung Quốc đã ký hợp đồng mua bán khí cung cấp khí qua đường ống Sila Siberia cho Trung Quốc với thời hạn 30 năm, với sản lượng 38 tỷ m3/năm, bắt đầu từ ngày 1/12/2019.