Danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan chung và các nước trưởng thành đã được công bố trong Quyết định 978/2012, tuy nhiên danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt (GSP+) chỉ được công bố mới đây, theo đó.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, EU đã cho phép 10 nước đang phát triển sau được hưởng GSP+ (mức ưu đãi thuế quan cao nhất) gồm: Ác-mê-ni-a, Bô-li-vi-a, Cáp-ve, Cốt-xta Ri-ca, Ê-cu-a-đo, Gru-di-a, Mông Cổ, Pa-ra-goay, Pa-ki-xtan và Pê-ru.
Chương trình GSP+ cung cấp các ưu đãi bổ sung để các nước đang phát triển dễ bị tổn thương có thể phê chuẩn và thực hiện một số công ước quốc tế về quyền cốt lõi về con người và lao động, môi trường và quản trị tốt.
Ngoại trừ Pakistan lần đầu tiên được hưởng GSP+ thì 9 nước còn lại đều đã được hưởng ưu đãi GSP+ từ giai đoạn trước (hết hạn ngày 31 tháng 12 năm 2013), nay được tiếp tục nhận ưu đãi GSP+ cho giai đoạn năm 2014-2016. Tuy nhiên, các nước Cốt-xta Ri-ca, Pê-ru và Gru-di-a hiện đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU nên ưu đãi thuế quan GSP+ chỉ áp dụng trong thời gian chuyển giao cho đến khi FTA có hiệu lực.
Việc Pa-ki-xtan được hưởng GSP+ có thể sẽ tạo ra cạnh tranh với các nhà xuất khẩu của Việt Nam do các mặt hàng Pa-ki-xtan xuất khẩu sang EU cũng là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU như dệt may, sản phẩm da. Trong năm 2013, giá trị xuất khẩu từ Pa-ki-xtan sang EU là 3,4 tỉ euro.
Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng đang xem xét đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc ban hành GSP+ cho 3 nước khác là En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và Pa-na-ma.