Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang rà soát hiện trạng các dự án thủy điện đã quy hoạch, đang đầu tư xây dựng và đã vận hành để nghiên cứu phát triển thêm các dự án thủy điện mới có hiệu quả kinh tế - tài chính và ít ảnh hưởng tác động đến môi trường. Trên thực tế, EVN đã và đang đầu tư xây dựng 36 dự án thủy điện với tổng công suất 12.737MW, trong đó có 29 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 10.346MW và 7 dự án đang xây dựng với công suất 2.391MW là Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đa Nhim mở rộng và Thác Mơ mở rộng. Các dự án thủy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất lắp máy từ 60MW trở lên, nằm trên các hệ thống sông theo quy hoạch bậc thang thủy điện đã được Bộ Công Thương thẩm tra và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết các dự án đã hoàn thành và đang thi công đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng; đồng thời theo các luật định, các nghị quyết, Nghị định của Quốc hội và Chính phủ, các bộ ngành từ việc đánh giá tác động môi trường, quy hoạch di dân tái định canh định cư, quy trình vận hành hồ chứa đến hiệu quả phát điện, phòng lũ, giảm lũ, tạo nguồn cấp nước cho hạ du...
Ảnh minh họa
Kết quả kiểm tra và đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy định kỳ hàng năm, trước và sau mùa lũ, các đơn vị quản lý vận hành đã kiểm tra, đánh giá tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ và có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời bảo đảm đủ điều kiện đưa công trình, hồ chứa vào hoạt động an toàn trong mùa mưa bão. Trước mùa lũ hàng năm, các đơn vị cũng xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ. Sau mỗi trận lũ và sau cả mùa lũ, các đơn vị đều chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du, sửa chữa những hư hỏng đe dọa đến sự ổn định, an toàn, độ tin cậy của công trình và thiết bị.
Để bảo vệ môi trường xung quanh các công trình thủy điện, EVN xác định trồng bù rừng là trách nhiệm của tập đoàn đối với cộng đồng, đất nước; việc trồng cây hoàn trả mặt bằng thi công, trồng bù rừng là góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện. Căn cứ các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tổng diện tích rừng trồng bù của các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư hoặc có cổ phần khoảng 13.063ha. Tính đến đầu tháng 10/2015, Tập đoàn này đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện trên cả nước với tổng diện tích phải trồng gần 12.860ha. Theo đó, đã có 3 dự án Thủy điện ở khu vực miền trung hoàn thành công tác trồng bù rừng và được cấp chứng nhận gồm A Vương, Sông Ba Hạ và Buôn Tua Srah; 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 để địa phương trồng và chăm sóc năm đầu gồm thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4 và Sông Bung 2. Riêng dự án Thủy điện Huội Quảng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đồng ý hình thức chuyển tiền thay cho phương án chủ đầu tư thực hiện. EVN đã chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hết quý III/2015 theo quy định cho quỹ hỗ trợ phát triển rừng tỉnh Lai Châu. Việc trồng bù rừng thay thế là nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.
Đối với những dự án thủy điện triển khai trong những năm gần đây, việc trồng bù rừng đã được EVN thực hiện tuân thủ theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2013 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong nhiều năm qua, EVN đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các Công ty thủy điện thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài việc trồng bù diện tích rừng đã mất, căn cứ vào sản lượng điện sản xuất ra từ các nhà máy thủy điện, EVN đã chi trả hàng nghìn tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng cho địa phương thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 29 tỉnh, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến nay, hệ thống các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng chống lũ và cấp nước cho đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; đồng thời phối hợp vận hành xả nước hàng năm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc bộ với tổng dung tích từ 3-5 tỷ m3. Đặc biệt, trước hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn, EVN đã phối hợp với các địa phương điều hành hợp lý chế độ làm việc của các nhà máy thủy điện, góp phần đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.