Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về thành lập, sắp xếp lại (không bao gồm hình thức phá sản doanh nghiệp), chuyển đổi sở hữu (không bao gồm hình thức chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nghị định số 23/2022/NĐ-CP gồm 5 chương, 55 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2022, thay thế các nghị định số 172/2013/NĐ-CP, 128/2014/NĐ-CP và bãi bỏ Nghị định số 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại cuộc họp, Ban Pháp chế EVN đã phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 23/2022/NĐ-CP có tác động trực tiếp đến điều lệ, quy chế quản lý nội bộ của EVN như: Không quy định về số lượng cấp doanh nghiệp của tập đoàn kinh tế; hạn chế ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thành viên; thành lập công ty con là công ty TNHH MTV; quy trình hợp nhất, sáp nhập, chia, tách EVN; chuyển đổi sở hữu EVN; quy định về quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế; quy định về quan hệ giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên…
Ngoài ra, Nghị định mới cũng tác động đến hoạt động của EVN, đơn vị thành viên như việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ; ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty con là công ty TNHH MTV; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Dịp này, lãnh đạo EVN và các ban chuyên môn đã trao đổi, thảo luận về những thay đổi trong hoạt động của EVN khi áp dụng Nghị định 23/2022/NĐ-CP. Theo ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN, việc phổ biến Nghị định số 23/2022/NĐ-CP của Chính phủ là rất quan trọng, để áp dụng đúng vào công tác quản trị doanh nghiệp của EVN, nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN cũng như các đơn vị thành viên.