Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) được thành lập, cũng là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế: Mỹ bỏ cấm vận kinh tế; Việt Nam chính thức trở thành thành viên hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN); các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn vay phát triển chính thức. Song, ngành Điện lại không còn sự hỗ trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình đó, năm 1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã xác định: “Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, củng cố và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế”.
Nắm bắt chủ trương này, EVN tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực và quốc tế, như: Hội nghị những người đứng đầu ngành Điện lực ASEAN (HAPUA); Hội nghị các quan chức cao cấp năng lượng ASEAN (SOME); Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM); Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC); hợp tác tiểu vùng Mê Kông (GMS);... Đồng thời, duy trì và mở rộng quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, các quốc gia để có thể vay vốn ưu đãi đầu tư cho các dự án điện của Việt Nam.
Tại các Hội nghị của HAPUA và các nhóm công tác với các chuyên ngành cụ thể, thiết thực, EVN đã có nhiều cơ hội trao đổi thông tin và tìm hiểu về ngành điện của các nước trong khu vực, cùng đề xuất và thực hiện các dự án hợp tác về kỹ thuật, công nghệ, tài chính, quản lý, môi trường, nguồn nhân lực, an ninh năng lượng... Những đóng góp của EVN vào hoạt động của HAPUA ngày càng được đánh giá cao. Ngoài ra, được sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đã có hợp tác cụ thể và thiết thực với các nước có chung đường biên giới trong việc cung cấp và trao đổi điện năng như: Bán điện cho Lào, Campuchia và mua điện của Trung Quốc để giải quyết một phần nhu cầu phụ tải đang tăng nhanh tại khu vưc phía Bắc, cũng như từng bước đáp ứng một phần nhu cầu điện năng của nhân dân các làng bản dọc tuyến biên giới 2 nước, đặc biệt, còn cung cấp điện chính cho thủ đô nước bạn Campuchia. Từ năm 2005 đến nay, việc hợp tác đã đưa lại hiệu quả đáng khích lệ bằng các hợp đồng mua bán điện 110 kV, 220 kV với Tập đoàn Lưới điện miền Nam, Trung Quốc (CSG); hợp đồng Việt Nam bán điện cho Tổng công ty Điện lực Lào ở cấp điện áp 22 kV, 35 kV, 110 kV và 220 kV. EVN đã hợp tác với một số tập đoàn lớn của Trung Quốc để đầu tư xây dựng các nhà máy điện như: Dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2; dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2; Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2... Những hợp tác hoạt động điện lực, trao đổi mua bán điện quốc tế vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, đồng thời củng cố khối đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia để cùng phát triển.
Cũng từ năm 1995, EVN đã tiếp nhận những nguồn vốn ODA đa phương, song phương. Những nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, các quốc gia, tổ chức song phương khác (Sida, ADS, Hàn Quốc, Liên bang Nga...) đã giúp EVN xây dựng hàng loạt các dự án nguồn, lưới điện và các cơ sở đào tạo, điều hành hệ thống điện... góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cao trong nhiều năm qua. Đặc biệt, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với sự bùng nổ về hàng loạt các công trình hợp tác liên doanh, liên kết và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu về điện đã tăng lên một cách đáng kể, đòi hỏi ngành Điện Việt Nam phải có những giải pháp phù hợp và quyết liệt nhằm thoả mãn nhu cầu điện. Cùng với việc chuyển đổi sang mô hình hoạt động Tập đoàn (năm 2006) kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, EVN luôn phải chú trọng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và các định chế tài chính quốc tế để giải quyết vấn đề về nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình nguồn điện, lưới điện, cũng như các lĩnh vực hoạt động khác của Tập đoàn đã được pháp luật Việt Nam cho phép.
Ngoài ra, EVN còn có các mối quan hệ hợp tác liên doanh sản xuất thiết bị về cột thép với HyunDai (Hàn Quốc); công tơ điện với OMNI (Hàn Quốc); hợp tác nghiên cứu lập báo cáo khả thi xây dựng Nhà máy điện Ô Môn 2 với Chevron (Mỹ) và Mitsui (Nhật Bản), nhằm sử dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên dồi dào của vùng Tây Nam Tổ quốc... đồng thời, hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc, Áo, Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ, Liên bang Nga, Ucraina, Úc, Ấn Độ... trong các hoạt động đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đầu tư dự án. Các hoạt động này đã tạo điều kiện cho đội ngũ CBCNV của EVN cơ hội làm việc với các đối tác nước ngoài, để học hỏi kinh nghiệm, bí quyết về khoa học công nghệ, quản lý hiện đại. Đó cũng là một trong các yếu tố đặc biệt quan trọng để đội ngũ cán bộ, kỹ sư của EVN từng bước trưởng thành. Từ xuất phát điểm phải hoàn toàn thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài, nay đã có đủ năng lực đảm đương công tác khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, nghiệm thu, vận hành và bảo dưỡng đối với các dự án nguồn và lưới điện lớn. Song song với việc tăng cường hội nhập với các tổ chức quốc tế nhằm phát triển kinh tế trong nước nói chung, EVN còn phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành để đầu tư xây dựng một loạt các công trình nguồn điện tại 2 nước bạn Lào và Campuchia, nhằm một phần cung cấp điện cho nhu cầu điện năng của nước bạn, một phần thông qua hệ thống đường dây truyền tải điện về Việt Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu điện năng của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, EVN cũng gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết là sự khác nhau về thể chế chính trị, chính sách, pháp lý giữa các quốc gia. Sau đó là sự hợp tác giữa các đơn vị, các ban ngành liên quan đến ngành Điện nói chung và dự án điện nói riêng; khả năng phối hợp giữa các ban, đơn vị trong ngành Điện để thực hiện các phương án đầu tư còn chưa chặt chẽ... Để khắc phục những khó khăn bất cập này, ngoài nỗ lực của EVN, rất cần sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía Nhà nước, các bộ ngành liên quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Điện với chính quyền địa phương. Từ đó mới đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án điện, cũng như đảm bảo hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế.