Tại hội nghị "Xúc tiến phát triển điện mặt trời áp mái" diễn ra ngày 8/8, ông Nguyễn Quốc Duy Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP HCM (EVNHCM) cho biết, giai đoạn cao điểm nắng nóng, nguồn điện quốc gia phải huy động hết công suất để duy trì. Trong nửa tháng 6, EVN phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, 3.500-5.000 đồng/kWh. Dự báo, đến 2021 nguồn điện tiêu thụ thiếu hụt ở mức cao nên việc đẩy mạnh điện mặt trời áp mái đang được thúc đẩy không chỉ ở các cao ốc, nhà dân mà đặc biệt còn tăng cường ở các khu công nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, khu công nghiệp trong lắp đặt đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, sáng 8/8 Tổng Công ty điện lực TP HCM đã ký kết hợp tác với 4 khu công - nông nghiệp tại Củ Chi, bao gồm Tây Bắc, Đông Nam, Tân Phú Trung và Khu Nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, EVNHCM cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc kết nối và tạo đầu ra. "Hiện nay các khu công nghiệp có lợi thế về diện tích áp mái lớn nên nếu đầu tư điện mặt trời doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép", ông Việt nói và giải thích, ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, ngân hàng mà ngành điện kết nối.
Cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp trong khu chế xuất đầu tư để hưởng lợi, tuy nhiên, ông Đoàn Minh Duy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi cho rằng, doanh nghiệp đang còn nhiều vướng mắc trong vấn đề mua bán giá điện. Nhiều doanh nghiệp lo ngại giá điện sẽ bị thay đổi thất thường bởi tới nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, hoạt động bảo dưỡng, bảo trì hệ thống của các công ty cung ứng chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp dễ thiệt hại nếu đầu tư lâu dài.
"Trong khu công nghiệp của chúng tôi có 44 doanh nghiệp, nếu đầu tư áp mái toàn bộ thì lượng điện mặt trời thu về sẽ rất lớn. Hầu hết đơn vị đều hào hứng với dự án này. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đẩy mạnh đầu tư vì chưa hiểu hết về lợi ích cũng chính sách của dự án này", ông Duy nói và cho biết, công ty đang kêu gọi doanh nghiệp, tìm giải pháp để có chi phí đầu tư tốt nhất mà họ mong muốn.
Cũng đang lựa chọn giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp, lãnh đạo Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Củ Chi cho biết đang tìm kiểm các nhà cung cấp tốt để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu có được giải pháp tiết kiệm chi phí và đầu tư hiệu quả thì quý III năm nay các doanh nghiệp ở khu này sẽ triển khai dự án điện mặt trời áp mái.
Theo thống kê của EVN, đến cuối tháng 7 công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất 40 MWp, sắp cán đích kế hoạch năm là 50 MWp. Ước tính tiềm năm phát triển nguồn điện mặt trời áp mái ở TP HCM sẽ đạt mức cao vì nơi đây là khu vực có bức xạ mặt trời mạnh với số nắng trung bình 6,8h/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3kWh/m2/ngày.
Cuối tháng 7, cả nước có 9.314 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt 193 MWp. Hiện, chính phủ đã có chủ trương khuyến khích người dân lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và có thể bán cho ngành điện. Với giá điện 9,35 cents/kWh.