Cộng hoà Gabon nằm ở khu vực Trung Phi, giáp biển Đại Tây Dương và nằm giữa Cộng hoà Congo và Ghi-nê xích đạo. Với diện tích 267.667km2, Gabon có thủ đô Libreville, dân số 1,67 triệu người (tháng 3/2014). Về tôn giáo, đạo Kitô chiếm 75%, đạo Hồi gần 1%, còn lại là các tôn giáo khác. Về ngôn ngữ, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Gabon có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, đơn vị tiền tệ là đồng franc của Cộng đồng tài chính châu Phi (XAF) với tỷ giá 1 USD = 500 XAF.
Trong lĩnh vực kinh tế, Gabon có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 4 lần so với các quốc gia châu Phi khác thuộc khu vực Nam Sahara, tuy nhiên, do chênh lệch về thu nhập lớn nên đa số người dân vẫn còn nghèo. Nền kinh tế Gabon phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu gỗ và măng-gan cho đến khi nước này phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi vào đầu những năm 1970. Những năm gần đây, dầu lửa đóng góp khoảng 50% GDP, 70% thu nhập và 87% giá trị xuất khẩu. Việc tăng giá dầu lửa từ năm 1999 đến 2008 đã giúp Gabon đạt mức tăng trưởng cao. Giai đoạn 2010-2013, nước này vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 6% mỗi năm. GDP năm 2013 đạt 19,97 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng là 6,6%. GDP bình quân đầu người lên tới 11.958 USD. Tỷ lệ lạm phát là 1,2% năm 2013. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 3,6%, công nghiệp 63,9% và dịch vụ 32,5%.
Nông nghiệp thu hút tới 60% lao động nhưng chỉ đóng góp khoảng 3,6% GDP và chỉ bảo đảm 15% nhu cầu trong nước. Các nông sản chính của Gabon gồm có ca cao, cà phê, đường, dầu cọ, gỗ, gia súc, cá.
Công nghiệp chỉ thu hút 15% lao động nhưng đóng góp tới 63,9% GDP. Tài nguyên có dầu lửa (trữ lượng 120 triệu tấn), măng-gan (235 triệu tấn), uranium (5 triệu tấn), sắt (1 tỷ tấn), gỗ (rừng chiếm 80% lãnh thổ). Việc tìm ra dầu lửa đã tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế của Gabon (các công ty dầu lửa lớn Total, Mobil, Shell, Agip đều đã có mặt tại quốc gia này). Gabon có các ngành công nghiệp khai thác, hoá dầu, điện lực tương đối phát triển. Sản lượng dầu mỏ hiện nay của Gabon là 227.900 thùng/ngày đứng ở vị trí 40 thế giới. Gần 95% lượng dầu thô khai thác được đem xuất khẩu, số còn lại do Công ty Lọc dầu Gabon (Sogara) chế biến.
Trong lĩnh vực ngoại thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Gabon đạt 9,777 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là dầu thô, gỗ, măng-gan và uranium. Các đối tác xuất khẩu chính gồm có Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Ban Nha.
Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,934 tỷ USD trong có các mặt hàng chủ yếu như trang thiết bị máy móc, thực phẩm, hóa chất và vật liệu xây dựng. Gabon nhập khẩu nhiều hàng hoá nhất từ các nước Pháp, Trung Quốc, Bỉ và Cameroon.
Mặc dù có nhiều tài nguyên thiên nhiên, song sự quản lý thuế yếu kém đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Tổng thống BONGO đã có những nỗ lực trong việc nâng cao tính minh bạch và từng bước đưa Gabon thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Chính sách của Gabon là tập trung ưu tiên phát triển kinh tế, trao đổi thương mại, tranh thủ tối đa nguồn đầu tư, viện trợ, kỹ thuật từ nước ngoài, thi hành chính sách kinh tế mở, tự do hoá theo hướng kinh tế thị trường nhằm phát triển nhanh đất nước.
Gabon là quốc gia Châu Phi có diện tích rừng chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Ngành này đóng góp 6% GDP và tạo ra 15.000 việc làm trực tiếp và 5000 việc làm gián tiếp. Phần lớn các doanh nghiệp lâm sản nước này chỉ chế biến khoảng 1,5 triệu tấn gỗ tươi (25% lượng gỗ khai thác) và xuất khẩu toàn bộ số gỗ tươi còn lại. Nhằm phát triển ngành chế biến gỗ trong nước, năm 2010, Tổng thống Gabon đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tươi, có hiệu lực ngày 15/5/2010. Theo Bộ Luật Lâm nghiệp của Gabon, năm 2012, các doanh nghiệp trong nước phải đạt mức chế biến gỗ địa phương là 75%.
Gabon đang hoàn tất việc xây dựng Đặc khu kinh tế Nkok có diện tích 1.026 ha được xem là lớn nhất khu vực Trung và Tây Phi, nằm cách thủ đô Libreville khoảng 30 km. Mục tiêu của đặc khu này nhằm phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến gỗ để xuất khẩu thành phẩm và bán thành phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.
Dự kiến sẽ có hơn 50 công ty trong lĩnh vực công nghiệp đến thuê mặt bằng và được hưởng những ưu đãi về thuế như miễn thuế VAT trong vòng 25 năm, miễn thuế thu nhập trong 10 năm, được chuyển về nước 100% vốn, tự do sử dụng người nước ngoài và được giảm 50% chi phí về điện.
Việt Nam và Gabon thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9 tháng 01 năm 1975. Tháng 11 năm 1996, nhân chuyến thăm Gabon của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, hai bên đã ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học kỹ thuật.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam và Gabon có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều hơn thông qua các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển thương mại liên vùng giữa các nước thuộc Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và Việt Nam, Lào, Campuchia do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) đề xuất. Đã có doanh nghiệp gỗ của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại thủ đô Libreville để tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch.
Về quan hệ thương mại, trao đổi giữa hai nước còn khiêm tốn trong đó Việt Nam thường nhập siêu. Năm 2013, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 48,2 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 19 triệu USD, tăng 40% và nhập khẩu 29,21 triệu USD, tăng 5%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2013 là gạo (đạt 16,6 triệu USD), tiếp đến là hàng hải sản (1,6 triệu USD), sản phẩm chất dẻo, phân u rê…
Trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ Gabon tăng mạnh, từ mức 4,8 triệu USD năm 2008 lên 29,2 triệu USD năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này gồm gỗ và sản phẩm gỗ (18,99 triệu USD), sắt thép phế liệu (10,22 triệu USD).
Các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá Gabon là một trong những thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn tại châu Phi do thu nhập bình quân đầu người cao, tình hình chính trị ổn định và là một nước cung cấp nguyên liệu gỗ quan trọng cho Việt Nam/.