Như vậy, đến nay Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thu hút gần 50 dự án với tổng vốn đăng ký trên 76.000 tỷ đồng.
Trong số này, đáng chú ý là dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors với vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng, có diện tích thuê đất khoảng 160 ha, mục tiêu là lắp ráp các loại xe ô tô khách (bus) đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trở lên với công suất 16.000 xe các loại; trong đó, có 2 sản phẩm chủ lực là xe bus từ 30 - 45 chỗ ngồi và xe trung chuyển khách 16 chỗ ngồi.
Cùng với đó còn có các dự án lớn khác đầu tư vào khu kinh tế như: Dự án khu du lịch Lăng Cô - Đầm Lập An, diện tích xây dựng 126ha, vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng. Dự án khu du lịch Bãi Cả với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng và Dự án chợ Lăng Cô với tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng...
Để thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tuc phát triển hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế. Cảng Chân Mây đang hoàn thiện bến số 2; triển khai bến số 3 đặt mục tiêu đưa vào khai thác vào cuối năm 2019; nâng công suất các bến lên 6 triệu tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm.
Năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành dự án đê chắn sóng, đảm bảo cho các bến cảng khai thác ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các bến container và đảm bảo an toàn cho tàu container cập bến.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong quy hoạch, đến năm 2020 cảng Chân Mây có 6 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 1.680m. Đến năm 2030, cảng Chân Mây có 8 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280m; 1 bến chuyên dùng xăng dầu với chiều dài 240m; bến chuyên dùng du lịch cho tàu khách 100.000 GT (dung tích tàu) cập bến.
Hiện, sau khi nâng cấp, cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng hơn 3.000- 4.000 khách.
Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.
Hiện cảng Chân Mây đón khoảng 40 du thuyền cập cảng/năm; trong số đó có nhiều du thuyền hạng sang. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, cảng Chân Mây đã đáp ứng lượng hàng thông qua và thu hút lượng khách du lịch tàu biển cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu.
Chân Mây trở thành một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở Khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, sự xuất hiện thường xuyên các hãng tàu du lịch tàu biển hạng sang cập cảng như: Tập đoàn Star Cruises, Skysea Cruise Line, Princess Cruises, Oceania Cruises, Costa Crociere, hay du thuyền mang tên Ovation of the Seas… chọn cảng Chân Mây là điểm đến, đưa hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế đến Huế tham quan; trong đó, riêng tàu Celebrity Millennium (thuộc hãng tàu biển Royal Caribeen Cruise Lines của Mỹ) có 5 lần cập cảng Chân Mây.
Cảng Chân Mây vì thế, hiện đã thành thương hiệu trên bản đồ du lịch biển khu vực và thế giới.
Cùng với cảng biển, hạ tầng giao thông ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô từng bước được hoàn thiện, tạo chuỗi giao thông liên hoàn giữa các dự án du lịch, công nghiệp và cảng biển; trong đó, tỉnh đầu tư khởi công dự án đường đông đầm Lập An với chiều dài 5km, vốn đầu tư 126 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Hiện, các đơn vị thi công triển khai đầu tư xây dựng tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn nhằm tạo điểm nhấn, sức lan tỏa để phát triển dịch vụ du lịch cho cả Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.../.