Dư địa cũng như cơ hội sẽ là rất lớn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khai thác mở rộng thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
2023 - Năm "đại thành công" của ngành lúa gạo Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030, với định hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.
“Nhờ vậy, ngành lúa gạo Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu. Sự tăng trưởng trong sản lượng, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất được nâng cao đã giúp mở rộng thị trường, nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Gạo Việt Nam khẳng định được chất lượng, được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn.” - Ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện tượng thời tiết El Nino, xung đột địa chính trị và việc ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột của Ấn Độ là những nguyên nhân chính định hình thị trường thương mại gạo thế giới năm 2023.
Hầu hết các nước xuất nhập khẩu gạo lớn trong năm 2023 đều tập trung mối quan tâm vào vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng tại một số nước sụt giảm do điều kiện thời tiết nắng nóng, áp lực lạm phát giá lương thực giữa bối cảnh kinh tế suy thoái, tâm lý khan hiếm nguồn cung và căng thẳng địa chính trị leo thang tác động đến thị trường ngoại hối và chuỗi cung ứng toàn cầu là những tiêu điểm được ghi nhận và cũng là nhân tố chính đẩy giá gạo thế giới tăng liên tục trong suốt một năm qua, có thời điểm lên cao nhất trong 15 năm.
Xuất khẩu gạo của các nguồn cung lớn như Thái Lan đã tăng mạnh trong khi Pakistan và Myanmar giảm so với 2022 nhưng lại hồi phục đà xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2023. Riêng Ấn Độ giảm do chính sách hạn chế xuất khẩu gạo - vốn được đánh giá mang yếu tố chính trị nhiều hơn.
Đối diện với nhiều thách thức nhưng 2023 vẫn là năm "đại thành công" của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 35,3%, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn. Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989.
Về thị trường, gạo Việt Nam năm qua tiếp tục được 3 thị trường chủ lực về nhập khẩu, tiêu thụ nhiều nhất đón nhận, đó là Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Ngoài ra, những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông cũng đang có xu hướng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Chủ động giải pháp đáp ứng nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường
Báo cáo về tiềm năng xuất khẩu gạo và nhu cầu hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp TP. Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, năm 2023, tổng diện tích lúa xuống giống 216.215 ha; sản lượng lúa thu hoạch 1,36 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu của địa phương đạt 976,26 nghìn tấn, ước đạt 520,91 triệu USD, tăng 23,23% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kế hoạch 35,58%.
Thành phố Cần Thơ có 37 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp; với tích lượng kho chứa: 405.380 tấn thóc, 756.802 tấn gạo; 45 cơ sở xay xát với công suất 1.017 tấn thóc/giờ; 58 cơ sở lau bóng, xát trắng với công suất 1.017 tấn/giờ. Bên cạnh đó, có một số cơ sở xay xát, gia công chế biến gạo cung ứng xuất khẩu, phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Phillippines, Malaysia, Ghana, Cameroom, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Úc, Singapore, Trung Quốc, Qatar,…
Thành phố Cần Thơ duy trì sản lượng, giá trị xuất khẩu do tập trung gạo chất lượng cao, cơ cấu các mặt hàng gạo xuất khẩu có sự thay đổi, chủ yếu gạo thơm chiếm sản lượng lớn. Một số doanh nghiệp đầu tư vùng lúa nguyên liệu với các giống lúa chất lượng cao đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng, đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân đảm bảo chất lượng, giá cả, đồng thời thu mua lúa hàng hóa với giá tương đối có lợi cho nông dân tham gia liên kết sản xuất.
Tại tỉnh An Giang, diện tích gieo trồng hàng năm, bình quân khoảng 630 nghìn ha, sản lượng khoảng hơn 4 triệu tấn/năm (các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80-90%), chiếm khoảng 10% sản lượng lúa hằng năm của cả nước.
Hiện tại, Tỉnh An Giang có 14/167 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, công suất xay xát thực tế trên 3,2 triệu tấn/năm. Hiện sản phẩm gạo đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là: gạo thơm, gạo trắng, gạo lức, gạo đồ, tấm, nếp,...
Ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, riêng mặt hàng gạo, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới, đạt gần 580 nghìn tấn, tương đương 339 triệu USD; so với cùng kỳ tăng trên 9% về sản lượng và tăng gần 16% về kim ngạch. Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore,…), Châu Phi (Ghana,…), Châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…), Châu Mỹ (Mỹ, Brazil,…) và Châu Đại Dương.
“Để đạt được kết quả đó, các doanh nghiệp tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.” - Ông Nguyễn Thành Huân chia sẻ.
Tại tỉnh Long An, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2023 của tỉnh đạt 516.299 ha. Sản lượng 3,072 triệu tấn, tăng 7,34% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa chất lượng cao đạt 2,003 triệu tấn, chiếm 65,3% tổng sản lượng lúa.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo khoảng 920.000 tấn với trị giá 503 triệu USD, tăng 55% về lượng và tăng 63% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chủng loại gạo xuất khẩu chủ yếu: gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp, gạo Japonica,…
Các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Hongkong, Ghana, Đài Loan, Nam Phi (Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%). Một số thị trường đòi hỏi cao như Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, CH Séc, Israel,…
Tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo
Chia sẻ về thị trường tiêu thụ mặt hàng gạo lớn nhất của Việt Nam, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, Việt Nam là nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Philippines nhập khẩu 85% sản lượng gạo từ Việt Nam, 10% từ Thái Lan và còn lại đến từ các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Việt Nam có nhiều lợi thế tại quốc gia này, bên cạnh việc là bạn hàng lâu năm, uy tín với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, gạo Việt Nam còn có chất lượng, phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines. Đồng thời, gạo Việt Nam có giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.
“Năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động, tuy nhiên, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội là rất lớn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khai thác mở rộng thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.” - Ông Phùng Văn Thành dự báo.
Tại Indonesia - thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia chia sẻ, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng.
Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng khan hiếm gạo tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Với tình hình này, ông Phạm Thế Cường dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.
Đồng hành cùng doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu gạo
Nhận định về tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn, biến động và chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Để chuẩn bị cho những biến động sắp tới, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra.
Trong đó, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tìm kiếm những đối tác chiến lược qua đó tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế và nâng cao thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân tiếp tục nghiêm túc thực hiện duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các Bộ, ngành liên quan theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; chủ động phối hợp xây dựng liên kết vùng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu, đảm bảo nguồn hàng ổn định, bền vững.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương và tại thị trường xuất khẩu; kịp thời báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo tiếp tục chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, phối hợp sát sao với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.