Vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế (Gas Shipping, mã cổ phiếu GSP - sàn HoSE) đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều ở mức “thận trọng” so với mức thực hiện của năm 2024.
Cụ thể, Gas Shipping đặt mục tiêu năm nay thu về 1.850 tỷ đồng doanh thu và 96 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 19% và giảm 5% so với mức đạt được của năm 2024. Trong năm ngoái, công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 18,8%, đạt gần 101 tỷ đồng.
Gas Shipping hiện là công ty con của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT) với tỷ lệ sở hữu là 67,98%. Gas Shipping cho biết, năm nay sẽ phối hợp với PV Trans để tổ chức sắp xếp, bố trí tàu một cách tối ưu nhằm giữ vững thị phần vận tải LPG nội địa.
Đồng thời, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động vận tải quốc tế, mở rộng thị trường; duy trì chứng nhận từ các chủ hàng lớn (Oil Majors) nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trên thị trường quốc tế.
![Gas Shipping](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/gas-shipping--gsp--muon-dau-tu-them-02-tau---than-trong--voi-ke-hoach-kinh-doanh-nam-nay_67af6021d1667.jpg)
Đáng chú ý, Gas Shipping dự kiến sẽ đầu tư một dự án chuyển tiếp là 01 tàu vận chuyển LPG có tải trọng khoảng 5.000 CBM với mức đầu tư 15 triệu USD (trong đó vốn chủ sở hữu 5 triệu USD).
Bên cạnh đó, công ty sẽ đầu tư một dự án mới là 01 tàu LPG có tải trọng khoảng 5.000 CBM hoặc 01 tàu dầu/hóa chất khoảng 19.000-26.000 DWT hoặc 01 tàu bán lạnh tải trọng khoảng 7.000 CBM với tổng mức đầu tư 24 triệu USD (vốn chủ sở hữu khoảng 7,2 triệu USD).
Trong năm 2024, thực hiện chiến lược “trẻ hoá” và mở rộng quy mô đội tàu, Gas Shipping đã mua lại 01 tàu LPG với sức chở 5.000 CBM (đóng năm 2010 tại Nhật bản) và đổi tên thành Hải Phòng Gas. Ngay sau khi tiếp nhận, tàu này đã lập tức đi vào khai thác các tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Qua đó, Gas Shipping nâng quy mô đội tàu lên 09 chiếc, bao gồm 07 tàu chuyên chở LPG với tổng tải trọng 23.000 CBM và 02 tàu dầu/hoá chất có tổng trọng tải khoảng 40.000 DWT.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Gas Shipping nói riêng và PV Trans nói chung đang đẩy mạnh mảng vận tải hoá chất trong bối cảnh thị trường này được đánh giá ít biến động mạnh, giá cước ổn định, và biên lợi nhuận gộp tốt hơn đáng kể so với mảng xăng dầu thành phẩm. Nhu cầu hoá chất tại châu Á dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ và năng lực sản xuất hoá chất tại Trung Quốc phục hồi trong thời gian tới nhưng cung tàu chuyên chở lại khá ít.
![Giá cước](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/gas-shipping--gsp--muon-dau-tu-them-02-tau---than-trong--voi-ke-hoach-kinh-doanh-nam-nay_67af604d42bb7.jpg)
Sau khi trải qua đợt kiểm tra, đánh giá khắt khe, PV Trans đã tham gia thành công Womar Tanker Pool - một trong những hội khai thác tàu hoá chất lớn nhất thế giới tưf năm 2022, giúp tiếp cận tệp khách hàng lớn và được đảm bảo mức giá cước vận chuyển cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.
Đối với mảng vận chuyển LPG, hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới Clarkson dự báo nhu cầu chuyên chở LPG sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm nay khi nhiều nước châu Âu tăng cường dự trữ cho mùa Đông, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu để lấp đầy các kho mới xây, và chênh lệch giá propane giữa Mỹ và châu Á có xu hướng tăng trở lại.
Bên cạnh đó, toàn bộ tàu chở LPG của Gas Shipping thuộc phân loại tàu cỡ nhỏ (coaster) giúp công ty có sự linh hoạt cao trong việc khai thác. Dữ liệu của Chứng khoán An Bình cũng cho thấy giá cước tàu coaster khá ổn định so với các tàu VLGC (tàu chở khí hoá lỏng cỡ lớn) trên thị trường, giúp Gas Shipping dễ ứng phó trước các biến động thị trường.