Thằng út nói với hai anh: “Em biếu bố vài xị”, thằng con thứ bảo: “Tao góp 1 chai”, chẳng ngờ thằng lớn cắt ngang: “Tùy các chú, anh thì lia cho ông già cả băng đạn luôn”.
Ông cụ lặng người, sáng dậy giục con đưa ra ga sớm, lấy cớ về trông vườn. Mấy thằng con giữ mãi không được, đành vâng theo ý bố, đứa biếu vài trăm ngàn, đứa giúi cho 1 triệu, thằng lớn đưa cả xấp tiền mới cứng. Ông ngớ ra: “Thế ra các anh không định… giết bố à?”. Lũ con cười ha hả, bố ơi, đấy là cách nói của dân thành thị, còn cả “vé”, “tờ”, "cành", “lá”, “lít”, “củ”… nữa cơ.
Chuyện đời nay, có cô bé viết một “tâm thư” kể chuyện mình. Nhờ vào mạng xã hội mà tình cờ con biết được ba con xin bác sĩ tư vấn vụ “đau đầu về ngôn ngữ teen code của con tôi”. Cô bé thú nhận, chính con cũng thấy từ “Trời đụ!”, “Á đù!” để chỉ sự bất ngờ, “vãi l.” để chỉ sự quá mức,… là quá thô và rất ghét bạn nào dùng nó. Nhưng hiện nay không chỉ giới trẻ mà đa số cư dân mạng chấp nhận cách dùng loại tiếng Việt không chính thống này. Vậy con làm gì để xài tiếng Việt “giản thể” theo xu thế nhưng vẫn giữ được sự trong sáng?
Ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chương trình truyền hình cũng có biểu hiện “lệch chuẩn” khi dùng những từ thông tục, “mật mã tuổi teen”. Không đếm xuể có bao nhiêu bài báo trực tuyến đang ra sức cổ súy cho sự lệch lạc ngôn ngữ qua việc “lạm dụng một cách có ý thức” nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với các độc giả trẻ. Thậm chí, trong buổi biểu diễn của một số ban nhạc, ca từ của bài hát còn có khả năng gây shock cho bất kỳ người nghe có học vấn nào. Trào lưu sử dụng tiếng lóng, ngoại ngữ, “ngôn ngữ @”,… trở thành 1 phần của sự khác biệt như để tự khẳn
g định “đẳng cấp” của mình đang lan tỏa ở giới trẻ hiện nay. Chuyện ấy ai cũng biết nhưng vẫn chấp nhận nó, dễ dãi trong cách thể hiện trên các trang mạng xã hội, khiến tiếng Việt ngày một xấu xí.
Nay thì trong giới trẻ đang có 2 hệ thống tiếng Việt song song: Thứ nhất là loại truyền thống trong các văn bản hành chính, văn chương, sách giáo khoa, báo chí truyền thông, thư tín, đơn từ, giao tiếp trang trọng và lịch sự. Thứ hai là loại giản lược, thậm chí tối giản trong tốc ký, nhắn tin, chat chít, facebook,... Loại thứ hai này vô cùng nguy hiểm, nhẹ thì có những chuyện cười ra nước mắt, còn nặng thì đã có những yêu cầu phải… phiên dịch tiếng Việt cho người Việt hiểu.
Nhớ lại cách rèn ngôn ngữ xưa của các cụ lại thấy nể phục. Đó là để giữ được sự tinh tế, chuẩn xác của tiếng Việt, phải tổ chức những hoạt động thú vị như đọc sách văn học để làm giàu vốn từ, học hỏi lối diễn đạt và viết đúng chính tả. Viết nhật ký, tham gia những góc nhỏ như vườn tâm hồn để sống chậm lại, suy tư nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn là chat. Nghe “tiếng người” nhiều hơn là “tiếng máy”, nắm tay nhiều hơn gõ bàn phím, nhìn vào mắt nhau hơn là “gí mũi” vào màn hình. Đặc biệt là viết thư cho chính mình 10 năm sau, tất nhiên là thư tay trên giấy thì mới không gặp các sự cố như vỡ font chữ, công nghệ lưu văn bản lỗi thời hoặc bị virus phá hủy tập tin…