Giá các loại ngũ cốc thế giới tăng mạnh trước rủi ro đứt gãy nguồn cung từ Ukraine

Giá các loại ngũ cốc trên thế giới tiếp tục tăng trong tuần qua do lo ngại nguồn cung từ Ukraine có thể bị đứt gãy trở lại, đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá các mặt hàng này tăng lên.
Giá ngô thế giới
Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) trong 3 tháng trở lại đây (Nguồn: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 9/9), giá ngô giao tháng 12/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 2,47% lên 6,85 USD/giạ (25,4 kg/giạ).

Giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 1,89% lên 14,12 USD/giạ (27,2 kg/giạ) và giá lúa mì giao tháng 12/2022 cũng tăng mạnh 4,89% lên 8,69 USD/giạ (25,4 kg/giạ).  

Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá ngô đã tăng 4,1%, giá đậu tương tăng 1,25% và  giá lúa mì tăng 9,47%.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết giá lúa mì trên thị trường quốc tế đã tăng đáng kể trong tuần vừa qua khi thị trường lo ngại các diễn biến mới từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì từ Ukraine và khu vực Biển Đen. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương được nâng đỡ chủ yếu nhờ việc đồng USD xuống giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Điều này giúp các mặt hàng ngũ cốc vốn được định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường ngũ cốc thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu của hãng tư vấn thị trường AgRural (Brazil) cho thấy tiến độ thu hoạch ngô vụ Safrinha (vụ chính) tại vùng Trung - Nam Brazil tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/9 đã đạt 98,2%, tăng 4 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và tăng 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

tiến độ trồng ngô tại Brazil
Tiến độ trồng ngô vụ hè 2022/2023 tại Brazil qua các tuần gần đây (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures) 

Trong khi đó, tiến độ thu hoạch ngô vụ đầu của niên vụ 2022/2023 tại Brazil trong tuần kết thúc vào ngày 1/9 đạt 9%, tăng 3,9 điểm phần trăm so với một tuần trước đó nhưng thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Việc xuống giống vụ hè tại một số vùng của Brazil như Parana, Rio Grande do Sul và Santa Catarina đã được bắt đầu. AgRural nhận định tình hình thời tiết nhìn chung ổn định và hỗ trợ việc canh tác và sinh trưởng của ngô tại phía Nam Brazil.

Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu được 6,3 triệu tấn ngô trong tháng 9 này, tăng mạnh so với mức 2,5 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.  

Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu hơn 575.000 tấn ngô trong tuần kết thúc vào ngày 4/9, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Brazil tiếp tục là quốc gia cung ứng ngô lớn nhất cho EU, chiếm hơn 50% tổng khối lượng ngô được EU nhập khẩu, theo sau đó là Ukraine, Serbia và Canada.

Đối với mặt hàng đậu tương, Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu thực vật Trung Quốc (CNGOIC) cho biết sản lượng đậu tương được nghiền ép tại nước này trong tuần vừa qua đạt 1,96 triệu tấn, giảm nhẹ 20.000 tấn so với một tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn tới 230.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Lượng đậu tương tồn kho tại Trung Quốc trong tuần vừa qua đạt 5,75 triệu tấn, giảm 1,15 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho khô đậu tương tại nước này cũng xác lập tuần giảm thứ 6 liên tiếp, xuống còn 760.000 tấn, thấp hơn tới 290.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc
Lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu qua các tháng gần đây (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

CNGOIC hiện dự báo mức sản lượng và mức nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong niên vụ 2022/2023 sẽ lần lượt là 19,7 triệu tấn và 95 triệu tấn.

Đối với Brazil, dữ liệu cho thấy nước này xuất khẩu được 6,1 triệu tấn đậu tương trong tháng 8, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu từ Trung Quốc và châu Âu giảm xuống. Đặc biệt, lượng đậu tương được Brazil xuất khẩu sang thị trường trọng điểm Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 5 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái do biên lợi nhuận nghiền ép đậu tương tại Trung Quốc liên tục ở mức âm, khiến các nhà máy tại Trung Quốc hạn chế thu mua đậu tương.

ANEC hiện dự báo Brazil sẽ xuất khẩu được 2 triệu tấn đậu tương trong tháng 9, tăng đáng kể so với mức 1,5 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Hãng tư vấn thị trường StoneX (Hoa Kỳ) hiện cảnh báo chi phí phân bón đối với hoạt động canh tác đậu tương và ngô tại Brazil trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng lần lượt 60% và 85% so với niên vụ trước. StoneX cũng cho biết mặc dù giá ngũ cốc đã tăng mạnh nhưng chi phí phân bón cũng gia tăng đáng kể do đó doanh thu của các hộ nông dân canh tác đậu tương và ngô tại Brazil có thể sẽ suy giảm.

xuất khẩu đậu tương Argentina
Diễn biến xuất khẩu đậu tương của Argentina qua các niên vụ (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tại Argentina, chính phủ nước này đã chính thức nâng tỷ giá hối đoái áp dụng riêng đối với các hãng xuất khẩu đậu tương tại đây. Theo đó, tỷ giá hối đoái dành cho xuất khẩu đậu tương sẽ là 200 đồng Peso Argentina đổi 1 đồng đô la Mỹ, tăng 37% so với mức tỷ giá trước đây, và sẽ được áp dụng từ 5/9 đến 30/9. Chính phủ Argentina cho biết động thái này nhằm mục tiêu đạt được doanh số xuất khẩu đậu tương ở mức 5 tỷ USD trong bối cảnh doanh số bán đậu tương của nông dân Argentina trong niên vụ 2021/2022 vẫn đang thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo Argentina sẽ xuất khẩu được 5,8 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2022/2023, tăng 8% so với niên vụ trước.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.

Xuất khẩu lúa mì của EU
Diễn biến xuất khẩu lúa mì của EU trong các tháng gần đây (Nguồn: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng lúa mì, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết luỹ kế xuất khẩu lúa mì kể từ đầu niên vụ 2022/2023 đến nay của EU đã đạt 6,2 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tuần vừa qua, Pháp tiếp tục là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất của EU, theo sau là Ba Lan và Đức. Algeria là quốc gia hiện nhập khẩu lúa mì nhiều nhất từ EU, theo sau là Morocco, Ai Cập và Pakistan.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com 
  • Hotline: 0903.352.961