Giá dầu thô 9/9: Phục hồi tích cực, lo ngại mất nguồn cung dầu từ Nga

Chốt phiên giao dịch ngày 9/9, giá dầu thô thế giới đã phục hồi mạnh trên 4% do lo ngại châu Âu có thể mất nguồn cung dầu từ Nga trong thời gian tới.
giá dầu thô thế giới hôm nay
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Chốt phiên giao dịch ngày 9/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 tăng mạnh 4,1% lên 92,84 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 3,9% lên 86,79 USD/thùng.

Đà phục hồi tích cực của giá dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần này chủ yếu do thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô có thể giảm xuống trong thời gian tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo có thể ngưng xuất khẩu dầu thô và khí đốt đến châu Âu nếu như các nước phương Tây tìm cách áp đặt trần giá đối với dầu thô của Nga.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ phần nào nhờ quyết định giảm sản lượng khai thác 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 của liên minh OPEC+. Mặc dù mức cắt giảm này tương đối nhỏ nhưng động thái mang tính “biểu tượng” này cho thấy liên minh OPEC+ sẵn sàng can thiệp để ngăn giá dầu thô giảm xuống thấp hơn. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện chi phối hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này thì giá dầu thô thế giới vẫn giảm nhẹ khoảng 0,2% khi tâm lý thị trường chịu sự chi phối bởi lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ ở mức yếu khi quốc gia này đang phong toả nhiều thành phố để kiểm soát dịch Covid-19.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa qua đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được hình thành nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát tại Eurozone chạm mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8 vừa qua, mức lạm phát này cao gần gấp 5 lần mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

Giới phân tích nhận định ECB mạnh tay nâng lãi suất bất chấp rủi ro suy thoái kinh tế tại châu Âu ngày càng lớn là minh chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạm phát mà châu Âu đang đối mặt và nguy cơ lạm phát còn kéo dài trong thời gian tới.

Thị trường hiện tập trung quan sát các động thái về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Dự kiến FED sẽ có phiên họp định kỳ vào ngày 21/9 tới đây. Trong thời gian gần đây, nhiều quan chức của FED phát đi tín hiệu cho thấy FED kiên định theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát và nhấn mạnh hậu quả của lạm phát cao, kéo dài nghiêm trọng hơn các tác động kinh tế do việc nâng lãi suất gây ra.

Trong ngày 9/9, ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc FED, cho biết FED cần mạnh tay với việc nâng lãi suất điều hành và nền kinh tế có thể sẽ phải chịu đựng tác động từ việc này.

Bên cạnh đó, thị trường cũng quan sát tác động từ việc Trung Quốc phong toả hàng loạt thành phố lớn, bao gồm các trung tâm kinh tế và sản xuất quan trọng. Thành phố Thành Đô với hơn 21 triệu dân của nước này đã quyết định kéo dài thời phong toả khi dịch Covid-19 tại đây vẫn chưa được kiểm soát.    

Tường Vy