Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua (4/11 – 8/11), giá đậu tương giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm 0,5%. Trong tuần trước đó (28/10 – 1/11), giá đậu tương trên sàn CBOT cũng đã giảm 1,7%.
Giá đậu tương chịu áp lực giảm trong tuần nay chủ yếu do các diễn biến bất lợi về triển vọng hoàn tất thỏa thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Trong ngày 7/11, một quan chức cao cấp thuộc Chính phủ Hoa Kỳ cho biết cuộc gặp ký kết thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sơ bộ giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể bị trì hoãn đến tháng 12/2019. Đến ngày 8/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ đã đồng ý từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 8/11 đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Điều này cho thấy việc tiến tới chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể còn mất rất nhiều thời gian. Trước khi xảy ra xung đột thương mại, Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu nông sản nhiều nhất của Hoa Kỳ, đặc biệt là mặt hàng đậu tương và ngô.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết Hoa Kỳ đã xuất khẩu được khoảng 1,8 triệu tấn đậu tương trong tuần trước, cao hon so với mức dự báo từ 600.000 tấn đến 1,2 triệu tấn. Khối lượng xuất khẩu này bao gồm 956.300 tấn đậu tương chuyển đến thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 12/2019 trên sàn CBOT đã giảm 0,5% trong tuần này; đánh dấu tuần giảm giá thứ ba liên tiếp. Giá ngô giao tháng 12/2019 trên sàn CBOT trong tuần này đã giảm mạnh 3% - đánh dấu tuần giảm giá lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 6/9/2019. Giá lúa mì và ngô chịu áp lực giảm chủ yếu do các số liệu mới nhất cho thấy doanh số bán ra của hai mặt hàng này thấp hơn so với thị trường kỳ vọng.