Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày Mùng 1 Tết, nhân dân chủ yếu đi chơi Tết, thăm hỏi, lễ chùa đầu năm, hoạt động mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ Tết. Tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại từ trưa ngày Mùng 1 như: một số siêu thị thuộc hệ thống Lotte Mart, Hapro Mart, siêu thị Aeon. Một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, Shop & Go mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với trước Tết.
Theo phong tục truyền thống, ngày Mùng 1 Tết người dân thường đi Lễ đầu năm tại các đền, đình, chùa nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ người dân đi lễ đền, đình, chùa...
Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày Mùng 1 Tết tại các siêu thị ổn định so với ngày hôm trước, cụ thể: Mặt hàng lương thực giá ổn định: giá các loại gạo tẻ thường từ 13.500-16.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 27.000 đ/kg. Mặt hàng thực phẩm: giá thịt lợn như thịt mông sấn từ 90.000-95.000 đ/kg, thịt ba chỉ từ 100.000-110.000 đ/kg, nạc thăn: 110.000-120.000 đ/kg, giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 100.000-120.000đ/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đ/kg; thịt bò thăn dao động từ 310.000-320.000đ/kg. Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 150.000-160.000 đ/kg; giò bò 280.000-310.000 đ/kg; lạp xưởng vissan loại I: 170.000-180.000 đ/kg.
Đối với mặt hàng công nghệ thực phẩm: đường bán lẻ ở mức 20.000-22.000 đ/kg; dầu ăn: 42.000-44.000 đ/lít, bia lon Heineken từ 375.000-410.000đ/thùng; Cocacola 170.000-195.000đ/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đ/thùng;
Về mặt hàng hoa, quả các loại: cam canh 40.000-60.000 đ/kg, xoài cát chu: 50.000-60.000 đ/kg, bưởi da xanh 70.000-75.000 đ/kg; dưa hấu không hạt 22.000-24.000 đ/kg…; Hoa cúc 40.000-60.000 đ/chục, hoa hồng loại có cành lộc 100.000-120.000 đ/chục…
Trong ngày Mùng 2 Tết sẽ có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại, bên cạnh đó tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất kinh doanh hàng phục vụ Tết của các đơn vị ngành Công Thương tính đến hết ngày mùng 1 Tết nhìn chung các đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực sản xuất kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Đến ngày mùng 1 Tết, hầu hết các doanh nghiệp đã nghỉ tết, không sản xuất kinh doanh.
Đối với các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực khai khoáng, các mỏ than, hầm lò chạy quạt thông gió đảm bảo đúng quy định về an toàn mỏ; các đơn vị luyện gang, luyện thép vẫn hoạt động bình thường (thực hiện chế độ nghỉ luân phiên…
Đặc biệt, tại công trường các dự án, việc an toàn và duy trì chế độ trực 24/24h được các nhà thầu/đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc.
Công tác trực Tết được Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 22 tháng 1 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tổ chức Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.
Cục Quản lý thị trường các địa phương đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường thường trực 24/24 trong những ngày nghỉ Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại tại thị trường nội địa và trên khâu lưu thông.
Đồng thời, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhất là kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.
Việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia đã được các đơn vị thực hiện tốt, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện. Đặc biệt, việc cung cấp điện cho các TP lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong 2 ngày 30 và mùng 1 Tết đã được thực hiện cơ bản tốt.