Giá cao su quay lại đỉnh, kỳ vọng Cao su Việt Nam (GVR) tiếp tục thắng lớn năm nay

Trong bối cảnh giá cao su xuất khẩu của Việt Nam lẫn giá cao su thế giới tiếp tục neo cao, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Cao su Việt Nam
Mảng kinh doanh sản phẩm cao su là động lực tăng trưởng chính của Cao su Việt Nam trong năm 2024.

Kết thúc năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 26.254 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.103 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 54% so với năm 2023.

Đà tăng trưởng chủ yếu đến từ việc giá bán mủ cao su trung bình năm 2024 đạt khoảng 48 triệu đồng/tấn, tăng 37% so với năm 2023. Mảng kinh doanh sản phẩm cao su đem về cho Cao su Việt Nam khoản doanh thu xấp xỉ 21.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80% tổng doanh thu) và lợi nhuận gộp khoảng 6.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 75% so với năm 2023. Phần doanh thu và lợi nhuận còn lại đến từ mảng kinh doanh gỗ cao su, bất động sản khu công nghiệp, và các hoạt động khác.

Mảng kinh doanh sản phẩm cao su được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Cao su Việt Nam trong năm nay khi giá bán cao su dự kiến neo cao. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nguồn cung cao su trên thị trường đang bước vào giai đoạn thấp điểm. Cây cao su thường được khai thác đến tháng 1 hàng năm, sau đó ngừng cạo mủ từ tháng 2 đến tháng 5 để thay lá trước khi vào vụ khai thác mới. Vì vậy, sản lượng mủ chỉ có thể dần được bổ sung trở lại từ tháng 6/2025 trở đi.

Giá cao su
(Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Vietcombank)

Bên cạnh đó, Thái Lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đã hứng chịu các đợt mưa lớn tại miền Nam nước này, đã gây gián đoạn hoạt động thu hoạch mủ trước mùa rụng lá.

Trong khi đó, sản lượng lẫn doanh số bán xe hơi tại Trung Quốc đang phục hồi tích cực. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nước này tăng cường nhập khẩu cao su phục vụ cho sản xuất săm lốp và linh phụ kiện ô tô.

Nhưng yếu tố này đã thúc đẩy giá cao su trên thị trường quốc tế trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh trở lại, gần quay lại mức đỉnh hồi tháng 12/2024 và cũng là mức cao nhất trong gần 7 năm trở lại đây.

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 126.384 tấn cao su, trị giá 233,3 triệu USD sang Trung Quốc. Như vậy, giá cao su xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 1.846 USD/tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.

Cao su Việt Nam
(Nguồn: Chứng khoán Vietcombank)

Xem thêm: "Cao su Việt Nam (GVR) thắng lớn năm 2024, dự kiến giá mủ cao su năm nay tăng 16,5%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong trung hạn, giá cao su dự kiến sẽ thiết lập mặt bằng giá cao. Diện tích trồng cao su tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây do người dân chuyển đổi cây trồng từ cao su sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn.

Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 1,6 triệu tấn cao su trong năm 2024 và cảnh báo rằng tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm.

Dựa trên tình hình thị trường hiện nay, Chứng khoán Vietcombank dự báo giá cao su đầu ra của Cao su Việt Nam sẽ duy trì mặt bằng trên 38 triệu đồng/tấn trong cả năm 2025. Với năng suất khai thác trung bình trên 1,4 tấn cao su/ha, Chứng khoán Vietcombank kỳ vọng mảng kinh doanh sản phẩm cao su sẽ đem lại trên 23.000 tỷ đồng doanh thu cho Cao su Việt Nam trong năm nay.

Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất của Cao su Việt Nam trong năm nay có thể đạt 29.930 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.068 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 18% so với năm 2024, theo Chứng khoán Vietcombank.

Duy Quang