Tiềm năng lợi nhuận lớn từ dự án Hado Charm Villas
Trong giai đoạn cuối năm 2020 - đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE) đã thực hiện 2 đợt mở bán chính thức với 178 căn biệt thự - liền kề tại dự án trọng điểm Hado Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội). Tính đến hiện tại, các phân khu trên đã cơ bản được bàn giao và ghi nhận doanh thu.
Đợt mở bán thứ 3 (bao gồm 97 căn) đã được Tập đoàn Hà Đô lên kế hoạch từ đầu năm 2022, nhưng được chủ động lùi tiến độ khi thị trường bất động sản đảo chiều và đi vào giai đoạn trầm lắng.
Trong bối cảnh không gặp áp lực về dòng tiền, ban lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết công ty vẫn đang chờ đợi thời điểm tốt của thị trường và đà tăng giá trong khu vực để mở bán nhằm tối đa hoá giá trị.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), quỹ đất còn lại tại dự án Hado Charm Villas có giá trị cao và còn nhiều tiềm năng tăng giá trong các năm tới.
Cụ thể, việc phát triển mới quỹ đất cho các dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội sẽ tốn nhiều chi phí hơn khi các bộ Luật mới đi vào hiệu lực, và thành phố chủ yếu định hướng phát triển các dự án nhà ở cao tầng.
Do đó, các quỹ đất dự án thấp tầng đã hoàn thiện pháp lý và hạ tầng, có khả năng kết nối tới trung tâm thành phố trong thời gian 30 phút di chuyển sẽ trở nên đặc biệt giá trị trong chu kì thị trường mới. Dự án Hado Charm Villas còn được hưởng lợi trực tiếp từ dự án Vành đai 4 (khởi công năm 2023) với kỳ vọng giúp gia tăng kết nối giữa khu vực dự án với các khu vực khác theo tuyến vành đai.
VCBS cũng đánh giá, sau giai đoạn điều chỉnh giá theo xu hướng chung của thị trường, mặt bằng giá tại dự án Hado Charm Villas (khoảng 100 - 120 triệu đồng/m2 đối với căn liền kề) đã tương đối hấp dẫn, chỉ bằng khoảng 1/2 giá các sản phẩm thấp tầng trong phạm vi dọc Vành đai 3 của TP.Hà Nội. Do đó, dự án còn nhiều dư địa tăng giá khi bán kính đô thị mở rộng và hệ thống hạ tầng giao thông, tiện ích được cải thiện.
Hiện VCBS dự phóng dự án Hado Charm Villas sẽ tiếp tục đem về khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn Hà Đô trong các năm tới với hiệu quả lợi nhuận ở mức cao do quỹ đất được tích lũy từ lâu và đã hoàn thành xây thô, hoàn thiện mặt ngoài các sản phẩm.
Mảng sản xuất điện vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn
Trong khi đó, mảng sản xuất điện của Tập đoàn Hà Đô dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực đáng kể trong năm nay khi hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy thuỷ điện. Thuỷ điện vốn là nguồn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu công suất phát điện của Tập đoàn Hà Đô.
Hiện Tập đoàn Hà Đô đang thực hiện M&A 02 dự án thuỷ điện quy mô nhỏ là Sơn Linh (15 MW) và Sơn Nham (9 MW), tại tỉnh Quảng Ngãi. Hai dự án này dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2027 - 2028. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một dự án cụm 3 nhà máy thủy điện (tổng công suất 300MW) trong giai đoạn 2025 - 2030.
Trong khi đó, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo gối đầu, gồm: dự án Điện gió Ea H'leo; dự án Điện gió Phước Hữu… vẫn đang cần chờ thêm định hướng từ các cơ chế hỗ trợ điện gió của Chính phủ và các chính sách xử lý vướng mắc pháp lý tồn đọng.
Về dài hạn, VCBS đánh giá cao khả năng tạo dòng tiền dồi dào và ổn định từ các nhà máy điện của Tập đoàn Hà Đô và dự kiến mảng sản xuất điện sẽ là nguồn đóng góp chủ đạo cho dòng tiền của tập đoàn này trong thời gian tới.
Tập đoàn Hà Đô kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi giá bán điện trên thị trường cạnh tranh được dự báo duy trì ở mức cao do giá thành nhiệt điện neo cao, tỷ trọng huy động thủy điện trên thị trường cạnh tranh có xu hướng giảm dần do sản lượng thấp và hạn chế trong việc triển khai các dự án mới.
Đồng thời, mức huy động tại các nhà máy năng lượng tái tạo của Tập đoàn Hà Đô kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tới khi năng lực lưới điện truyền tải được tăng cường.