Trong quý 1 vừa qua, giá dầu thế giới đã ghi nhận đà tăng mạnh nhất tính theo quý kể từ năm 2009. Theo Reuters, giá dầu WTI đã tăng 30% trong 3 tháng đầu năm nay, trong khi giá dầu Brent cũng tăng hơn 25% trong cả quý 1. Bước sang quý 2, giá dầu vẫn tiếp tục “nóng” trong suốt tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 vừa qua. Khép phiên 6/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 39 xu Mỹ lên 71,24 USD/ thùng sau khi có lúc giảm xuống 68,79 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ phiên 2/4. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 31 xu Mỹ lên đóng phiên ở 62,25 USD/thùng
Giới phân tích nhận định rằng, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng đã trở thành “đòn bẩy” cho giá dầu tăng. Từ tháng 1/2019, OPEC và các nước đối tác, trong đó có Nga (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trước đó, giá dầu luôn ở mức thấp trong một thời kỳ khá dài và trong các dự báo cuối năm 2018, giới phân tích đều cho rằng giá dầu không tăng cao trong năm 2019.
Bên cạnh đó, việc gia tăng các điểm nóng xung đột và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, Venezuela nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của các nước này, cũng đã khiến nguồn cung dầu mỏ bị thu hẹp, góp phần “trợ lực” cho giá dầu tăng mạnh. Ngày 2/5 vừa qua, “ông chủ Nhà Trắng” Donald Trump đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu từ Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn “đi xa hơn” khi khẳng định rằng Mỹ muốn đưa sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran xuống mức 0 và không có kế hoạch cấp tiếp quy chế miễn trừ trừng phạt sau tháng Năm.
Quan hệ Mỹ - Iran được dự báo sẽ còn leo thang căng thẳng trong những ngày tới. Hôm 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này nhận thấy Iran đã có một số động thái cho thấy khả năng “gia tăng căng thẳng”. Trước đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết ông đã phê chuẩn quyết định đưa tàu sân bay và máy bay ném bom tới Trung Đông để “đối phó với mối đe dọa từ Iran”. Năm 2018, Iran từng là nhà sản xuất dầu lớn thứ tư trong OPEC, với sản lượng khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 4 vừa qua đã giảm xuống mức dưới 1 triệu thùng/ngày. Việc Mỹ “cấm cửa” Tehran xuất khẩu dầu và quan hệ Washington - Tehran gia tăng căng thẳng như trên đã làm đây lên lo ngại thị trường sẽ thiếu hụt một lượng lớn “vàng đen”.
Trong khi đó, tình hình bất ổn tại Venezuela - nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn ở Nam Mỹ - cũng đe dọa thu hẹp đáng kể nguồn cung khiến dầu tăng giá. Vấn đề Venezuela đã nóng lên những ngày gần đây sau khi Chính quyền của Tổng thống Maduro vừa đẩy lui một cuộc đảo chính do thủ lĩnh phe đối lập Juan Guado tiến hành ngày 30/4 với sự tham gia của một nhóm nhỏ binh sỹ phản bội nhằm lật đổ chính quyền. Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đã lêm tiếng cáo buộc rằng, chính quyền Mỹ đang tìm cách “tạo ra một cuộc xung đột tại Venezuela” khi nhiều quan chức, trong đó có Phó Tổng thống Pence, Ngoại trưởng Pompeo liên tục đưa những thông điệp mang tính kích động bạo lực tại Venezuela. Trước đó, quan hệ Mỹ - Venezuela đã xấu đi nghiêm trọng và Washington đã triển khai một số biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Caracas. Cuối tháng 1, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên hãng dầu quốc doanh Venezuela, nhằm gây sức ép buộc tổng thống nước này là ông Nicolas Maduro phải từ chức. Tiếp đó, hôm 5/4, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 34 tàu vận tải biển thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), vì cung cấp dịch vụ chở dầu từ Venezuela tới Cuba.
Ryan Fitzmaurice - nhà phân tích năng lượng tại Rabobank mới đây nhận định rằng: "Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung dầu". Trên thực tế, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã lao dốc mạnh do bất ổn gia tăng khi sản lượng cuối năm 2018 chỉ còn 1,34 triệu thùng/ ngày, giảm mạnh so với 2,4 triệu thùng năm 2015. Hãng nghiên cứu Rystad Energy mới đây dự báo sản lượng khai thác dầu của Venezuela sẽ “tiếp tục rơi tự do” trong năm nay.
Trước tình hình nêu trên, Ngân hàng Barclays của Anh dự báo, trong quý 2 năm nay, nhiều khả năng giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh và đạt mức trung bình khoảng 73 USD/thùng. Mức giá dầu thô trung bình của cả năm sẽ đạt khoảng 70 USD/thùng. Trong khi đó, RBC Capital Markets - ngân hàng đầu tư thuộc tập đoàn RBC của Canada, mới đây đã nâng dự báo về giá dầu thô Brent năm 2019 lên 75 USD/thùng (con số dự báo trước đó là 69,5 USD/thùng) và cảnh báo về nguy cơ giá dầu sẽ leo lên 80 USD/thùng.
Trước nguy cơ giá dầu vượt tầm kiểm soát và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế, Tổng thống Mỹ D. Trump gần đây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác để “hạ nhiệt” thị trường. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Trump đã không nhận được phản hồi tích cực từ các nhà sản xuất dầu mỏ. Tổng thống Nga V. Putin cuối tháng 4 vừa qua tuyên bố nước này sẽ không nâng sản lượng khai thác dầu mỏ ngay sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miến trừ trừng phạt những nước và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran từ tháng 5. Trước đó, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của OPEC - cũng khẳng định không có kế hoạch nâng sản lượng dầu mỏ ngay sau quyết định nói trên của Mỹ.
Tuy nhiên, dù gía dầu đã tăng mạnh do các cuộc xung đột leo thang, song hiện tại, vẫn còn một số nhân tố có thể “cản bước” đà tăng của giá dầu, đó là nguồn cung khí đốt đá phiến từ Mỹ tăng; tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa ngã ngũ.Theo EIA, sản lượng dầu từ 7 khu vực đá phiến chủ chốt của Mỹ đã vượt mức 8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018 lên mức cao kỷ lục 12 triệu thùng/ngày. Theo đó, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, “cỗ máy kinh tế toàn cầu” đang vận hành yếu hơn dự kiến. Nhân Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) mới đây, Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của WEF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% trong năm 2019 và 3,6% trong 2020, giảm tương ứng 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng vừa khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, vừa tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ. Đầu tuần vừa qua, khi Tổng thống Mỹ cho biết sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hoàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% từ ngày 10/5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa của nước này. Điều này đã lập tức khiến giá dầu trên thị trường châu Á hạ nhiệt, giảm 2% trong phiên 6/5.
Trong bối cảnh lực đẩy và lực cản với giá dầu thế giới vẫn đang ở thế “giằng co” như trên, triển vọng giá “vàng đen” hiện trở nên rất khó dự đoán. Và, việc triển vọng giá dầu năm nay không rõ ràng đang khiến thị trường cũng như các nền kinh tế ít nhiều hoang mang. Nhà phân tích Edward Bell thuộc tập đoàn Emirates NBD nhận định, các thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn sẽ chịu sự chi phối của nguồn cung bị thắt chặt nhờ quyết định cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Tuy nhiên, trong phần còn lại của năm 2019, triển vọng tăng giá dầu vẫn chưa rõ ràng.