Sau khi vượt qua ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 28/9 vừa qua, giá dầu thô Brent đã hạ nhiệt. Chốt phiên giao dịch ngày 29/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 0,56% xuống mức 78,64 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2021 cũng giảm 0,6% xuống còn 74,83 USD/thùng.
Vào lúc 10h30 sáng nay ngày 30/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 0,5% xuống còn 78,25 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng giảm 0,32% xuống mức 74,59 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô trong tuần trước của nước này đã tăng 4,6 triệu thùng, trái ngược với các dự báo của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở khai thác dầu thô ngoài khơi Vịnh Mexico của Hoa Kỳ đã bắt đầu khôi phục hoạt động sau thời gian dài ngưng hoạt động vì hai cơn bão hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ hiện đã đạt mức 11,1 triệu thùng/ngày tương đương với mức trước khi siêu bão Ida đổ bộ vào khu vực Vịnh Mexico hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, con số này vẫn đang thấp hơn mức cao kỷ lục 13 triệu thùng/ngày hồi năm 2019 – trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 1 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng khiến dầu thô vốn được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn so với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác, giảm sức hấp dẫn của mặt hàng này so với các kênh đầu tư khác.
Giá dầu thô đã liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây khi nhiều nền kinh tế lớn tái mở cửa và nguồn cung dầu thô tăng chậm hơn so với mức phục hồi nhu cầu sử dụng trên toàn cầu.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ kiên định duy trì mức nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày như đã thống nhất trước đây bất chấp các sức ép gia tăng sản lượng khai thác nhằm tái cân bằng thị trường trong những tháng cuối năm. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường có thể nghiêm trọng hơn những dự báo trước đây và điều chỉnh tăng mạnh dự báo giá dầu thô trong giai đoạn cuối năm nay lên mức 90 USD/thùng, tăng 10 USD/thùng so với dự báo gần nhất.
Trước đó, Hoa Kỳ đã kêu gọi liên minh OPEC+ cần tăng sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu thô ở mức hợp lý để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Liên minh OPEC+ dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tiếp tục tăng mạnh trong trung hạn và cảnh báo thế giới cần tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác dầu thô cho dù nhiều nền kinh tế lớn đang chuyển dần sang các nguồn năng lượng sạch khác.