Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạ 77,41 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 77,39 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/5, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,2% và giá dầu thô WTI tăng 0,3%; thị trường Hoa Kỳ và Anh nghỉ lễ, không giao dịch trong ngày 29/5.
Tâm lý giới đầu tư hiện bị chi phối bởi kỳ vọng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua thoả thuận nâng trần nợ công cùng với đó là lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 tới đây.
Cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà cùng cho biết đã đạt được thoả thuận nâng trần nợ công sơ bộ và dự kiến Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu đối với thoả thuận này vào ngày 31/5 tới đây (theo giờ địa phương).
Mặc dù thoả thuận sơ bộ này đang bị một số nghị sĩ thuộc cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ phản đối nhưng ông Joe Biden và ông Kevin McCarthy đều tin tưởng rằng thoả thuận sẽ đạt đủ số phiếu bầu để được lưỡng viện thuộc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Qua đó, chấm dứt rủi ro vỡ nợ đối với Hoa Kỳ, tạo điều kiện để nền kinh tế lớn nhất thế giới vận hành ổn định.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tác động tích cực từ thông tin nâng trần nợ công của Hoa Kỳ đối với giá dầu thô sẽ nhanh chóng chấm dứt, khó có thể tạo hiệu ứng lâu dài lên thị trường.
Một số chuyên gia nhận định các thông tin về chính sách lãi suất của FED trong phiên họp từ 13 - 14/6 mới là nhân tố chủ chốt chi phối giá dầu thô thời gian tới. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường nhận định xác suất FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong phiên họp tháng 6 hiện lên tới 63%; xác suất FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay chỉ có 37%.
Điều này phản ánh quan điểm thị trường đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm FED kết thúc phiên họp hồi đầu tháng 5 vừa qua, khi cơ quan này tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp với mức tăng thêm 25 điểm cơ bản. Giới đầu tư lúc đó đã nhận định gần như 100% FED đã hoàn thành chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này.
Hiện mặt bằng lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ ở mức 5 - 5,25% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2007, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Trong khi đó, lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu thực sự hạ nhiệt khi dữ liệu cho thấy vật giá trong tháng 4 bất ngờ tăng trở lại. Việc FED tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, kéo theo đó là giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.
Ngoài ra, thị trường cũng đang tập trung quan sát những thông tin xoay quanh phiên họp của liên minh OPEC+ diễn ra vào ngày 4/6. Nga và Saudi Arabia, hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất OPEC+, đang đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau về việc liệu liên minh này có tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng khai thác hay không.