Trong tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2023 đến nay, chủ yếu do nguồn cung trên thị trường nội địa giảm. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam được chào bán từ mức 490 - 495 USD/tấn, tăng so với mức 485 - 495 USD/tấn ghi nhận hồi trung tuần tháng 5/2023.
Một thương nhân kinh doanh gạo tại TP.Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung gạo trên thị trường nội địa Việt Nam đang ở mức thấp khi vụ thu hoạch Đông Xuân đã kết thúc và các nhà xuất khẩu gạo hiện đang đẩy mạnh thu mua nhằm hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng Indonesia. Các dữ liệu sơ bộ cho thấy phần lớn gạo được Việt Nam xuất khẩu trong tháng 5 này là chuyển đến Philippines, Indonesia và khu vực châu Phi.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam hướng đến việc phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu bền vững.
Mục tiêu cụ thể là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.
Về cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
Đối với gạo Thái Lan, trong tuần trước, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan được giao dịch tại mức 495-500 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức trung bình 500 USD/tấn trong trung tuần tháng 5/2023.
Một hãng xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết nhu cầu đối với gạo Thái Lan trong tuần qua đã giảm xuống và các đối tác đang chờ vụ thu hoạch tiếp theo để có thêm nguồn cung gạo mới.
Một nhà giao dịch có trụ sở tại thành phố Bangkok cho biết nhu cầu đang giảm và các thị trường đang chờ thu hoạch vụ tiếp theo để có thêm nguồn cung.
Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan (ONWR) vừa qua đã khuyến cáo nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay, thay vì hai vụ như thông thường và canh tác loại cây trồng sử dụng ít nước thay vì lúa gạo trong bối cảnh hiện tượng El Nino có thể gây ra tình trạng khô hạn gay gắt tại Thái Lan trong thời gian tới.
Dự báo tình trạng hạn hán tại Thái Lan trong năm nay có thể nghiêm trọng hơn so với các năm 2019 và 2020. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến sản lượng lúa gạo cũng như năng lực xuất khẩu gạo của nước này.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ loại 5% tấm xuất khẩu trong tuần trước được giữ không đổi tại mức 374-378 USD/tấn. Mặc dù nhu cầu đối với gạo Ấn Độ trên thị trường quốc tế đang ở mức yếu nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ đang được cải thiện nhờ đồng Rupee xuống giá. Một thương nhân giao dịch gạo tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết những người mua trên thị trường đang trì hoãn việc mua vào các lô gạo của Ấn Độ.