Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng nhẹ thêm 0,8 USD lên 94,92 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng tăng thêm 0,47 USD lên 89,01 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm lần lượt 11% và 8%, và chạm mức như trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.
Giá dầu thô hiện chịu áp lực giảm lớn do lo ngại tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới sẽ ở mức yếu khi nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đối mặt rủi so suy thoái cao, các nền kinh tế mới nổi đối mặt áp lực nợ tăng cao, và tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc phong toả diện rộng nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã tăng lên đáng kể khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa đưa ra cảnh báo Anh có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm nay và giai đoạn suy thoái này có thể kéo dài đến đầu năm 2024. Bất chấp nguy cơ suy thoái, BoE đã buộc phải nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất 27 năm trở lại đây vào ngày 4/8 trong bối cảnh lạm phát tại Anh gần lên đến 13%.
Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ), nhận định dường như thị trường đang quá lo ngại về rủi ro suy thoái, trong khi đó, nguồn cung dầu trên thị trường vẫn đang bị thắt chặt và các nước khai thác dầu thô không có khả năng gia tăng đáng kể nguồn cung trong thời gian tới.
Đà giảm của giá dầu thô hiện nay đang được kìm hãm nhờ nguồn cung dầu thô trên thị trường vẫn đang ở mức thấp. Trên thực tế, giá dầu thô giao ngay hiện vẫn ở mức cao hơn so với giá của các hợp đồng giao tương lai.
Liên minh OPEC+ vừa qua đã quyết định sẽ chỉ tăng sản lượng khai thác thêm ở mức 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới đây, thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu tăng 600.000 thùng/ngày hồi tháng 7 và tháng 8. Đây cũng là mức tăng sản lượng thấp nhất trong lịch sử của liên minh OPEC+ và con số này sẽ được phân bổ cho 23 quốc gia thành viên liên minh.
Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Một số chuyên gia phân tích cho biết, hiện chỉ có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) là còn phần công suất dự phòng đủ để nâng thêm sản lượng khai thác, do đó phần sản lượng khai thác tăng thêm thực tế trong tháng 9 tới đây của OPEC+ sẽ không đáng kể.
Tại Hoa Kỳ, dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô hoạt động tại nước này trong tuần kết thúc vào ngày 5/8 đã giảm 7 giàn khoan. Đây là tuần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm số lượng giàn khoan giảm xuống trong vòng 10 tuần trở lại đây.
Tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng được nhận định có thể sẽ tăng lên khi mùa Đông đang đến gần. Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Chuyên gia phân tích Michael Tran từ tập đoàn tài chính RBC (Canada) nhận định “Với việc EU ngưng nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển, câu hỏi hiện tại là liệu các quốc gia khai thác dầu thô tại Trung Đông có chuyển hướng xuất khẩu sang châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga hay không?”.