Vào lúc 8h00 sáng nay (ngày 8/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai bất ngờ giảm 36 cents tương ứng 0,6% xuống còn 62,80 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 38 cents tương ứng 0,6% xuống mức 59,39 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi các dữ liệu mới nhất từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng thêm 4 triệu thùng lên mức 250 triệu thùng trong tuần trước. Điều này trái ngược với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó. Dữ liệu cũng cho thấy tồn trữ dầu thô tại nước này trong tuần trước đã giảm 3,5 triệu thùng xuống còn 502 triệu thùng.
Giới phân tích nhận định việc tồn trữ xăng dầu tăng mạnh ngay trước thời điểm mùa Hè – mùa cao điểm tiêu thụ xăng dầu tại Hoa Kỳ có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu chưa thực sự phục hồi. Việc tồn trữ xăng dầu ở mức cao có thể buộc các nhà máy lọc hoá dầu giảm sản lượng sản xuất để tránh gia tăng lượng hàng tồn kho, kéo theo đó là giảm nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu thô trên toàn cầu đang có xu hướng tăng lên sau khi liên minh OPEC+ công bố lộ trình tăng sản lượng khai thác kể từ tháng 5 tới đây. Một số chuyên gia phân tích nhận định nguồn cung dầu thô từ Iran cũng có thể tăng lên khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nếu như Iran quay trở lại tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhân.
Trong ngày hôm qua, Iran cho biết đã có cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” với các bên trong thoả thuận hạt nhận Iran năm 2015, gồm Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Đức. Iran cũng đồng ý sẽ tiếp tục nhóm họp để thảo luận khả năng duy trì thực hiện thoả thuận hạt nhân nói trên.
Trước đó, Iran đã cho biết Hoa Kỳ cần rút lại ngay lập tức các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc ngăn Iran xuất khẩu dầu thô thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt từng bước để đổi lấy việc Iran tiếp tục thực thi thoả thuận hạt nhân. Các chuyên gia nhận định nếu Hoa Kỳ và Iran đạt được những bước tiến mới về thoả thuận hạt nhân thì lượng dầu mỏ xuất khẩu trên thị trường sẽ gia tăng mạnh vào đầu năm 2022.
Một số nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan về triển vọng giá dầu thô sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ có 2 năm tăng trưởng nhanh hậu đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng 6% trong năm nay và 4,4% trong năm 2022. Trong đó, mức tăng trưởng 6% của năm nay sẽ là mức tăng cao nhất kể từ những năm 1970 trở lại đây.
Nhà kinh tế trưởng của IMF bà Gita Gopinath nhận định, về tổng thể, tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 "yếu hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008". Bà Gita Gopinath cũng cho biết các nền kinh tế phát triển đang có rất ít "tàn dư sau đại dịch và ở Hoa Kỳ thậm chí là không có".