Vào lúc 8h00 sáng nay (ngày 7/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng thêm 34 cents tương ứng 0,5% lên 63,08 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 32 cents tương ứng 0,5% lên 59,65 USD/thùng. Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) nhận định, giá dầu thô tăng nhẹ chủ yếu nhờ thị trường lạc quan về triển vọng tương lai toàn cầu.
Trước đó, giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 6/4 đã tăng trở lại khi dữ liệu cho thấy số công việc mới được tạo ra tại Hoa Kỳ trong tháng 2/2021 đã chạm mức cao nhất 2 năm trở lại đây, phản ánh các hoạt động kinh tế tại đây đang dần phục hồi, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng lao động.
Trước đó, các dữ liệu khác cũng cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tại Hoa Kỳ đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng 3/2021. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng tháng thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm nay.
Trong ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết những khoản chi tiêu công của Hoa Kỳ ở quy mô chưa từng có nhằm chống lại những tác động của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua sẽ giúp nâng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên mức 6% - mức cao nhất kể từ những năm 1970 trở lại đây.
Thị trường dầu mỏ cũng đang được nâng đỡ bởi tâm lý lạc quan khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho toàn bộ người trưởng thành tại nước này trước 19/4 tới đây, sớm hơn đáng kể so với các mục tiêu đưa ra trước đó.
Thị trường hiện tập trung quan sát dữ liệu tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ, dữ liệu này sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ công bố trong ngày 7/4 (theo giờ địa phương). Trong những tuần gần đây, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ liên tục giảm xuống nhưng lượng tồn trữ nhiên liệu lại tăng lên.
Iran vừa cho biết đã có cuộc nói chuyện “mang tính xây dựng” với đại diện các nước trong thoả thuận hạt nhận Iran năm 2015 (Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Đức). Iran cũng đồng ý sẽ nhóm họp để thảo luận khả năng tiếp tục thực hiện thoả thuận hạt nhân nói trên. Trước đó, Iran đã cho biết Hoa Kỳ cần rút lại ngay lập tức các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc ngăn Iran xuất khẩu dầu thô thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt từng bước để đổi lấy việc Iran tiếp tục thực thi thoả thuận hạt nhân.
Các chuyên gia nhận định nếu Hoa Kỳ và Iran đạt được những bước tiến mới về thoả thuận hạt nhân thì lượng dầu mỏ xuất khẩu trên thị trường sẽ gia tăng mạnh vào đầu năm 2022.