Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tại Hội nghị mùa Xuân với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 6%. Con số này cao hơn mức 5,5% được dự báo cách đây gần 3 tháng và cao gần gấp đôi mức dự báo được công bố vào tháng 10 năm ngoái. Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 4,4%.
IMF cũng hạ quy mô ước tính đối với sự sụt giảm của sản lượng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch vào năm ngoái. Báo cáo của IMF cho thấy ảnh hưởng đối với nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 sẽ giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 – vốn khiến các quốc gia chật vật vì đà tăng trưởng yếu trong gần 10 năm sau đó. Theo IMF, các nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra sản lượng thấp hơn khoảng 1% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, trong cuộc suy thoái 2008-2009, con số này là hơn 10%.
Phát biểu tại Hội nghị, Nhà kinh tế trưởng của IMF bà Gita Gopinath nhận định, về tổng thể, tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 "yếu hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008". Bà Gita Gopinath cũng cho biết các nền kinh tế phát triển đang có rất ít "tàn dư sau đại dịch và ở Hoa Kỳ thậm chí là không có".
Báo cáo của IMF cho biết: "Sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập. Tốc độ này phụ thuộc vào tốc độ tiêm phòng dịch, quy mô chính sách hỗ trợ kinh tế và các nhân tố trong nền kinh tế, điển hình như sự phụ thuộc vào du lịch".
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra khác biệt rõ rệt tại các nền kinh tế khác nhau, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ tung gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD hồi giữa tháng 3 vừa qua. Cụ thể, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm nay lên mức 6,4%. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển khác như Đức, Pháp và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục đối mặt với các khó khăn do làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới gây ra.
Tại các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng chung sẽ đạt khoảng 6,7% trong năm nay. Trong đó, nền kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng đến 12,5%.
Đối với Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Tổ chức này khuyến nghị rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện.
IMF đánh giá các quốc gia có nguy cơ hồi phục chậm nhất cũng là các nền kinh tế mới nổi, bởi họ ít có khả năng tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19, những quốc gia có hệ thống tài chính công yếu và phụ thuộc vào du lịch. Tác động đối với các nền kinh tế mới nổi trong ngắn hạn thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi lĩnh vực giáo dục gặp gián đoạn, nhất là các nước nghèo hơn vì khả năng tổ chức các lớp học trực tuyến bị hạn chế.
Bà Gita Gopinath cho biết việc các gói kích thích tài khóa lớn dẫn đến áp lực lạm phát chưa gây ra mối lo ngại ở thời điểm hiện tại. Đó là bởi các chính phủ toàn cầu sẽ kiểm soát mức giá chung và chưa có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng trung ương hay chính phủ mất kiểm soát.
Ngoài ra, trong vài tháng tới, lạm phát trên toàn cầu có thể biến động mạnh vì mức giá hàng hóa rơi xuống thấp kỷ lục tại thời điểm một năm trước. Tuy nhiên, IMF cho biết xu hướng tăng của lạm phát có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh Hoa Kỳ cần đi đầu trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng nếu áp lực lạm phát tăng nhanh. Điều này có thể ảnh hưởng đặc biệt đến các thị trường mới nổi khi dòng vốn có thể quay trở lại các nền kinh tế phát triển.