Lúc 7h00 sáng nay (ngày 8/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã đạt 43,32 USD/thùng, tăng 1,02 USD tương ứng 2,4% so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước; trong đầu phiên giao dịch, có lúc giá dầu thô Brent chạm ngưỡng 43,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng mạnh 83 cents tương ứng 2,1% lên 40,38 USD/thùng. Cả hai loại dầu thô chính trên thế giới đều chạm ngưỡng cao nhất kể từ ngày 6/3/2020.
Đà tăng giá mạnh của dầu thô trong phiên giao dịch đầu tuần chủ yếu nhờ liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đồng ý kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục đến cuối tháng 7/2020, thêm 1 tháng so với dự kiến ban đầu.
Tính từ đầu tháng 4/2020 đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn gấp đôi, chủ yếu nhờ liên minh OPEC+ tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Sau khi ra quyết định kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới Ả-rập Xê-út đã nâng mức giá bán dầu thô của nước này trong tháng 7/2020. Tuy nhiên, việc đảm bảo các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ thực thi đúng cam kết cắt giảm sản lượng khai thác vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Trong giai đoạn vừa qua, một số quốc gia thành viên khối OPEC như Iraq và Nigeria đã gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác. Liên minh OPEC+ đã yêu cầu những nước này phải đẩy mạnh cắt giảm sản lượng cao hơn trong giai đoạn tháng 7 – tháng 9/2020 nhằm bù lại phần chưa cắt giảm được trong tháng 5 và tháng 6/2020.
Trưởng ban chiến lược thị trường hàng hoá toàn cầu Helima Croft của hãng dịch vụ tài chính RBC Capital Markets nhận định “Việc sản lượng khai thác dầu thô của Libya có thể tăng trở lại cũng sẽ là một thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của khối OPEC.”
Mặc dù giá dầu thô thế giới đang phục hồi tốt nhưng mức giá hiện nay vẫn thấp hơn chi phí sản xuất của hầu hết các hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới. Sự sụp đổ của giá dầu thô đã khiến hàng loạt doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro phá sản cao, sa thải nhân công và cắt giảm mạnh hoạt động đầu tư sản xuất.
Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu thô và khí tự nhiên tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử tuần thứ 5 liên tiếp.
Ả-rập Xê-út và Nga được cho là đang cố gắng duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ ở mức hợp lý nhằm vừa giúp giá dầu thô phục hồi trở lại để gia tăng nguồn thu ngân sách nhưng cũng tránh giá dầu thô tăng vượt ngưỡng 50 USD/thùng nhằm ngăn chặn các hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ gia tăng hoạt động trở lại.
Sự bùng phát cuộc chiến giá dầu thô giữa 3 quốc gia Ả-rập Xê-út, Nga với ngành khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ hồi đầu tháng 3/2020 cùng với các tác động của đại dịch Covid-19 đã đẩy giá dầu thô liên tục rơi xuống các mức thấp kỷ lục. Giá dầu thô WTI – giá dầu thô chuẩn cho thị trường dầu mỏ tại Hoa Kỳ trong tháng 4/2020 đã lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống dưới 0 USD/thùng hay các hãng khai thác và giao dịch dầu thô phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi do tình trạng dư cung dầu thô trầm trọng và nhu cầu sử dụng suy yếu.