Dự báo giữa năm mới nhất của Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) cho biết nền kinh tế Đức sẽ suy giảm mạnh 7,1% trong năm 2020 và có thể mất đến 2 năm để Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), phục hồi trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, một số nhà phân tích đã cảnh báo nền kinh tế Đức sẽ đối mặt với việc phục hồi chậm sau khi hứng chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Chính phủ Đức và Hội đồng các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy giảm từ 6% - 7% trong năm nay.
Mặc dù theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ Đức cũng đã đồng ý thông qua chương trình kích thích kinh tế mới có quy mô 130 tỷ EUR nhằm chống lại các tác động của đại dịch Covid-19. Phần lớn các hoạt động kinh tế tại Đức đã bị buộc phải đóng cửa trong thời gian dài khi nước này áp dụng các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Đức chỉ mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, tái khởi động lại nền kinh tế nước này trong vài tuần trở lại đây và tốc độ bình thường hoá diễn ra ở mức chậm.
Ngân hàng Trung ương Đức dự báo tăng trưởng kinh tế Đức trong năm 2021 và 2022 sẽ lần lượt đạt 3,2% và 3,8%. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidman cho biết “Các khoản tài chính công đóng vai trò quan trong trong việc ổn định tình hình. Khoản kích thích kinh tế mới là điều hợp lý trong tình trạng hiện nay và tôi cho rằng chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ (Đức) là điều nên làm”.
Trong ngày 4/6, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế khu vực Eurozone trong năm 2020 với dự báo suy giảm GDP sẽ đạt từ 8,7% (theo kịch bản cơ bản) đến 12,6% (theo kịch bản xấu). ECB cũng tuyên bố mở rông chương trình ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 (PEPP) lên gấp đôi với việc gia tăng ngân sách cho việc mua lại các loại tài sản thêm 600 tỷ EUR (674,5 tỷ USD) lên mức 1.350 tỷ EUR.
Đây là động thái mới nhất của ECB nhằm giúp nền kinh tế khu vực Eurozone chống đỡ với các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Bên cạnh Đức, nhiều nền kinh tế lớn khác của khối Eurozone như Pháp và Italy, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trong khối, đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 4/6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định sự lao dốc của nền kinh tế Eurozone đang có dấu hiệu tạo đáy nhưng cũng cảnh báo hoạt động kinh tế sẽ vẫn còn rất yếu.