Chốt phiên giao dịch ngày 26/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 1,52 USD/thùng tương ứng 2,77% xuống 53,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,7 USD/thùng tương ứng 2,34% xuống 48,73 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent giảm về còn 53,03 USD/thùng; đồng thời, giá dầu thô WTI chạm mức 48,3 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia; đồng thời, giới chức y tế Hoa Kỳ cảnh báo dịch virus Covid-19 có thể bùng phát tại nước này. Tính đến hết ngày 26/2, đã có hơn 40 quốc gia có người bị nhiễm virus Covid-19 với tổng số 80.000 ca nhiễm và 2.800 người tử vong.
Trong ngày 26/2, chính quyền thành phố New York (Hoa Kỳ) cũng xác nhận đang theo dõi 83 người có khả năng bị nhiễm virus Covid-19. Thị trường chứng khoán và thị trường dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm điểm sau khi thông tin này được công bố. Một số nước như Hy Lạp, Brazil và Georgia cũng thông báo xuất hiện các ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Đáng chú ý, dịch bệnh hiện đang bùng phát mạnh tại Italy và Hàn Quốc với số ca nhiễm bệnh mới tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn. Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và lớn thứ 8 toàn cầu; trong khi đó, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều thứ 5 toàn cầu.
Những thông tin xấu về dịch bệnh đã khiến giới đầu tư lo ngại các hoạt động kinh tế trên toàn cầu có thể bị ngưng trệ, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sự lan rộng của virus Covid-19 là “điều cực kỳ đáng quan ngại”; tuy nhiên, WHO vẫn khẳng định dịch bệnh có thể được không chế và không biến thành đại dịch toàn cầu.
Đà giảm của giá dầu thô trong ngày giao dịch hôm qua được kìm hãm một phần nhờ dữ liệu tích cực về dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này chỉ tăng thêm 452.000 thùng lên mức 443,3 triệu thùng trong tuần trước; con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2 triệu thùng của giới phân tích.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs vừa qua đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu năm 2020 từ mức 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày; đồng thời, giá dầu thô Brent trong năm 2020 được dự báo trung bình còn đạt 60 USD/thùng, so với mức 63 USD/thùng được dự báo trước đó.
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA), tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây trước các tác động của dịch bệnh.
Thị trường hiện đang tập trung theo dõi các động thái cắt giảm sản lượng khai thác của khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) nhằm hỗ trợ giá dầu.