Cùng chung quan điểm với BofA, ông Marko Kolanovic – giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của tập đoàn tài chính J.P.Morgan (Hoa Kỳ) cũng dự báo giá dầu thô sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.
“Giá dầu thô hoàn toàn có khả năng tăng cao trong tương lai trước những bất ổn tại châu Âu. Do đó, ngưỡng giá 150 USD/thùng sẽ không quá bất ngờ. Nhưng đây có thể là một giai đoạn tăng giá không bền vững, và cuối cùng giá dầu thô sẽ dần hạ nhiệt”, ông Marko Kolanovic nhận định.
Ông Matt Smith, chuyên gia phân tích của hãng phân tích thị trường Kpler (Singapore), cho rằng thế giới nên làm quen với việc “giá dầu thô ở mức ba con số” trong thời gian dài tới đây.
“Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau đợt phong toả vừa rồi và sản lượng dầu thô của Nga tiếp tục giảm thì giá dầu thô có khả năng sẽ tái lập mức đỉnh 139 USD/thùng hồi đầu năm nay”, ông Matt Smith nhận định.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cũng cho biết “Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế". Phát biểu của ông Suhail Al-Mazrouei được đưa ra khi giá dầu thô Brent giao dịch quanh ngưỡng 120 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 giảm mạnh 5,58% xuống còn 113,12 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ tháng 5.
Về phía nguồn cung, hãng tin Reuters cho biết sản lượng khai thác dầu thô thực tế trong tháng 5 của liên minh OPEC+ thấp hơn mục tiêu khai thác gần 2,7 triệu thùng dầu/ngày. Điều này càng khiến mục tiêu nâng mạnh thêm sản lượng khai thác trong tháng 7 và tháng 8 tới đây của liên minh OPEC+ trở nên khó đạt được. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Một số quốc gia thành viên OPEC+ đang gặp khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc nâng thêm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, việc phương Tây đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu thô của Nga ra thị trường quốc tế. Sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong tháng 5 đạt 9,273 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 9,159 triệu thùng/ngày trong tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu được OPEC+ phân bổ tới 1,276 triệu thùng/ngày.
Về phía nhu cầu, báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất của OPEC dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 tới đây và mức trung bình nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cả năm 2022 sẽ đạt 100,29 triệu thùng/ngày – cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Báo cáo của OPEC cũng chỉ rõ “Sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô hiện nay đang đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn liên quan đến các biến động địa chính trị hiện tại, diễn biến của đại dịch Covid-19 trong nửa cuối năm nay. Áp lực lạm phát có thể còn kéo dài và sẽ ở mức cao cho đến khi các vấn đề địa chính trị được giải quyết. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dầu sẽ vẫn ở mức tốt trong nửa cuối năm nay”
Đồng thời, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết bất chấp việc giá dầu thô tăng vọt và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2023 sẽ vẫn tăng 2%, chạm mức cao kỷ lục 101,6 triệu thùng/ngày. Theo IEA, Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu tăng lên trong năm 2023 khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, IEA nhận định thị trường dầu mỏ thế giới sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng. “Sau bảy quý liên tiếp thị trường ghi nhận lượng tồn trữ dầu thô suy giảm, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dần chậm lại và sản lượng khai thác dầu tăng vào cuối năm nay thì thị trường dầu mỏ thế giới sẽ cân bằng trở lại”, theo IEA.