Vào lúc 9h30 sáng nay (ngày 28/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 26 cents xuống còn 66,16 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 23 cents xuống mức 62,71 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent đã tăng 1,2% và giá dầu thô WTI tăng 1,7%.
Thị trường hiện tiếp tục lo ngại việc dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.
Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do dịch Covid-19 nhiều nhất trên thế giới. Với gần 363.000 ca mắc mới, Ấn Độ tiếp tục phá kỷ lục về số ca mắc tính theo ngày mà nước này vừa xác lập trong ngày 25/4.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi dữ liệu sơ bộ của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 4,319 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố chiều ngày 28/4 (theo giờ địa phương).
Trong phiên dịch ngày hôm qua, giá dầu thô đã nhận được sự hỗ trợ lớn khi Uỷ ban kỹ thuật của liên minh OPEC+ nhận định cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay tại Ấn Độ không có tác động lâu dài đến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này cũng như của thị trường toàn cầu.
Uỷ ban kỹ thuật của liên minh OPEC+ cũng tiếp tục giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm nay như trước khi đại dịch tái bùng phát tại Ấn Độ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đang có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Liên minh OPEC+ hiện vẫn giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5 tới đây nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá Vivek Dhar từ tập đoàn ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) nhận định “Tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ là rủi ro hiện hữu nhưng tôi cho rằng việc này sẽ không tác động đến quá trình phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô ở thời điểm hiện tại”.
Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn chưa áp dụng các biện pháp phong toả toàn quốc như đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 1 hồi năm ngoái và khuyến khích các bang nước này duy trì hoạt động kinh tế bình thường do lo ngại các tác động kinh tế nghiêm trọng từ các biện pháp phong toả diện rộng.
Trong năm 2020, Ấn Độ lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1947 với ước tính sơ bộ GDP giảm đến 8% so với năm 2019. Theo đánh giá của giới phân tích, với hơn 1,3 tỷ dân và 17,6 triệu ca nhiễm bệnh tính đến hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế chịu tác động nặng nề thứ hai trên thế giới vì đại dịch Covid-19.
Hồi đầu tháng 4/2021, trước khi đợt dịch lần 2 bùng phát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm nay sẽ đạt 12,5% - mức tăng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.