Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 12/6), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 18 cents lên mức 38,73 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai giảm 8 cents xuống mức 36,26 USD/thùng. Tính chung cả tuần này (8 – 12/6), giá cả hai loại dầu thô đều đã giảm khoảng 8%, đánh dấu tuần đầu tiên giảm giá trong vòng 6 tuần trở lại đây. Kể từ khi sụp đổ vào tháng 4/2020,giá dầu thô đã phục hồi nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm trở lại trong vài phiên giao dịch gần đây khi gần một nửa số tiểu bang tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, ghi nhận sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 mới. Điều này đã khiến thị trường lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần hai và các biện pháp phong toả, phòng chống đại dịch Covid-19 có thể được áp dụng trở lại, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô suy giảm.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tạo hãng tư vấn chứng khoán Price Futures Group, nhận định “Thị trường dầu mỏ hiện đang đứng giữa ngã tư đường, nếu như nhu cầu sử dụng dầu thô tiếp tục được cải thiện thì thị trường sẽ nhận được thêm nhiều động lực hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu như đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lặp lại như thời gian trước đây thì giá dầu thô sẽ giảm trở lại”.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/4/2020, giá dầu thô WTI đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới mức 0 USD/thùng, đạt -37,63 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 và tình trạng dư cung diễn ra trầm trọng. Giá dầu thô Brent trong tháng 4/2020 cũng đã sụp đổ về mức 16 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây.
Mặc dù liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, cùng với các hãng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đang cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, tình trạng tồn trữ dầu thô trên thị trường toàn cầu hiện vẫn ở mức nghiêm trọng.
Áp lực tồn trữ dầu thô ở mức cao gây sức ép giảm giá lên giá dầu thô. Theo đánh giá của tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, tổng lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu có thể lên đến 1 tỷ thùng và thị trường sẽ cần đến giữa năm 2021 mới tiêu thụ được hết số dầu thô tồn trữ này. Goldman Sachs dự báo giá dầu thô sẽ điều chỉnh giảm mạnh 15% - 20% trong thời gian tới.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 538,1 triệu thùng, chủ yếu do lượng lớn dầu thô giá rẻ từ Ả-rập Xê-út cập cảng. Khi cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga bùng nổ hồi tháng 3/2020, Ả-rập Xê-út đã đẩy mạnh việc bán dầu thô và hạ giá bán trên toàn cầu.
Hãng dịch vụ khai thác dầu mỏ Bakẻ Hughes cho biết số lượng giàn khoan khai thác dầu thô đang hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm thêm 7 giàn khoan xuống còn 199 giàn khoan trong tuần này. Số lượng giàn khoan khai thác dầu thô hoạt động là chỉ báo quan trọng đánh giá tình hình nguồn cung dầu thô trong tương lai.
Một số chuyên gia cảnh báo việc giá dầu thô tăng mạnh vượt ngưỡng 40 USD/thùng có thể khuyến khích một số doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ tái gia tăng công suất khai thác. Điều này sẽ gia tăng rủi ro lên đà phục hồi mới manh nha của thị trường dầu mỏ.
Theo đánh giá của ông Jim Ritterbush, Chủ tịch hãng tư vấn thị trường năng lượng Ritterbusch and Associates (Hoa Kỳ), sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu thô trên toàn cầu có thể sẽ bắt đầu diễn ra chậm lại trong khi đó đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô có thể sẽ suy yếu nếu như đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.