Phá giá đồng Nhân dân tệ
Giới phân tích cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc có thể cho phép phá giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD của Hoa Kỳ nếu như Chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Trung Quốc xoay quanh việc áp dụng Luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).
Dữ liệu cho thấy vào cuối tháng 5/2020, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống mức 7,1778 Nhân dân tệ đổi 1 USD, gần chạm mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây vốn được thiết lập hồi tháng 9/2020. Đến ngày 9/6, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã được cải thiện lên mức 7,0750 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, chỉ số RMB Index – chỉ số đo lường biến động tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Trung Quốc đã ghi nhận phiên giảm thứ 16 liên tiếp, xuống mức 91,69 điểm – mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số RMB Index đạt mức cao nhất là 95,7 điểm.
Sự sụt giảm của chỉ số RMB Index cùng diễn biến của tỷ giá đồng Ngân dân tệ/USD có thể cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang cho phép phá giá đồng nội tệ nước này nhằm gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ còn chịu áp lực giảm từ việc Hoa Kỳ có thể thu hồi quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông, việc thu hồi quy chế ưu đãi này sẽ tác động mạnh đến hoạt động tái xuất khẩu và làm giảm đầu tư nước ngoài vào Hồng Kông. Theo quy chế ưu đãi đặc biệt, Hồng Kông được Hoa Kỳ coi là một lãnh thổ tách rời với Trung Quốc Đại lục và được hưởng các ưu đãi về thuế, thương mại và di chuyển riêng biệt.
Đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy giảm
Hãng phân tích chứng khoán Huatai (Trung Quốc) nhận định việc Hồng Kông đánh mất quy chế ưu đãi đặt biệt có thể gây áp lực giảm giá lên đồng Nhân dân tệ trong ngắn hạn dưới góc độ rủi ro và dòng vốn. Việc Hoa Kỳ tiếp tục có những động thái trừng phạt Trung Quốc xoay quanh cuộc chiến công nghệ cũng có thể làm giảm giao thương của các sản phẩm công nghệ và khiến Trung Quốc tiếp tục để đồng Nhân dân tệ suy yếu.
Trung Quốc hiện cho biết sẵn sàng trả đũa việc Hoa Kỳ đưa thêm 33 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách thực thể không đáng tin cậy. Việc Trung Quốc đáp trả Hoa Kỳ bao gồm đưa một số doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng của Hoa Kỳ vào danh sách trừng phạt sẽ làm suy giảm giao dịch các sản phẩm công nghệ và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia.
CEBM Group, hãng nghiên cứu đầu tư độc lập lớn nhất Trung Quốc, cho biết tỷ giá đồng Nhân dân tệ có thể giảm xuống vượt mức 7,20 Nhân dân tệ đổi 1 USD nếu như Tổng thống Donald Trump đưa ra các hành đồng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Danny Suwanapruti từ tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ rơi xuống mức 7,25 đồng đổi 1 USD, thấp hơn nhiều so với mức 7,15 đồng đổi 1 USD được dự báo cách đây 3 tháng.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trở lại nhưng đà phục hồi diễn ra chậm trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới và ngay cả trong thị trường nội địa nước này ở mức yếu dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trong tháng 5/2020, Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại cao kỷ lục, lên tới 62,93 tỷ USD nhưng mức thặng dư này chủ yếu do nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm mạnh khi nhu cầu trong nước suy yếu.
Giới phân tích cảnh báo mức thặng dư thương mại cao sẽ khó kéo dài lâu trong bối cảnh dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm xuống trong những tháng tới đây khi số đơn hàng từ Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu giảm mạnh, nhu cầu trên thị trường quốc tế đang chịu tác động tiêu cực từ diễn biến đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu sản phẩm điện tử và cơ khí của Trung Quốc sẽ giảm mạnh do nhu cầu nâng cấp thiết bị trên toàn cầu suy yếu, theo nhận định của bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung quốc Đại lục của tập đoàn ngân hàng ING Bank.
Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc có thể thấy việc đồng Nhân dân tệ suy yếu là điều có thể kiểm soát được do các tài sản được định giá bằng đồng Nhân dân tệ đang mang lại lợi nhuận cao hơn các tài sản được định giá bằng đồng USD. Điều này sẽ giúp thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc Đại lục.
PBOC đã hạn chế sự can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối kể từ năm 2015 – thời điểm đồng Nhân dân tệ đối mặt với áp lực giảm giá nghiêm trọng do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, PBOC đã sử dụng các phát ngôn của mình cùng các công cụ thị trường khác để giảm các biến động mạnh trong giao dịch tiền tệ trên thị trường ngoại hối và hướng tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ đến mức được Chính phủ Trung Quốc coi là “cân bằng và hợp lý”. Giới phân tích dự báo PBOC sẽ tiếp tục can thiệp điều chỉnh tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ trong thời gian tới.