Kinh tế tiếp tục suy yếu, Trung Quốc phát tín hiệu cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa

Báo cáo chính sách tiền tệ quý 1/2020 của Trung Quốc cho thấy nước này có thể đẩy mạnh hơn nữa việc nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của nước này hiện không còn nhiều với lo ngại lạm phát và tỷ lệ nợ tăng cao.
Mua sắm tại Trung Quốc
Nhu cầu tại thị trường nội địa của Trung Quốc hiện vẫn ở mức yếu khi người tiêu dùng lo ngại sự bùng phát lần 2 của đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp tại nước này ở mức cao (Ảnh: Reuters)

Trong ngày 10/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố báo cáo thực thi chính sách tiền tệ quý 1/2020 của Trung Quốc và cho biết nền kinh tế nước này “cần có các chính sách hỗ trợ quy mô lớn hơn, chính sách tiền tệ và môi trường tài chính hợp lý nhằm vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19”. Điều này báo hiệu khả năng PBOC có thể đẩy mạnh hơn nữa việc nới lỏng các chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Tuyên bố của PBOC được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đang ngày càng tranh cãi gay gắt hơn về quy mô thích hợp của gói kích thích kinh tế cũng như nguồn tài chính cho gói kích thích này. Các động thái gần đây của PBOC cho thấy cơ quan này vẫn đang do dự trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ như đã từng làm khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra.

Báo cáo chính sách tiền tệ quý 1/2020 của PBOC nhấn mạnh “việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm trong khi tìm kiếm sự cân bằng giữa các mục tiêu”. Áp lực cần có các biện pháp hỗ trợ kinh tế quy mô lớn đang ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, suy giảm nhu cầu từ cả thị trường nội địa lẫn thị trường nước ngoài.

GDP quý 1/2020 của Trung Quốc đã giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 dưới các tác động của đại dịch Covid-19; đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1992 khi nước này bắt đầu công bố dữ liệu GDP hàng quý. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu trong quý 2/2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới bị đình trệ.

Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đã gần như khôi phục hoạt động sản xuất nhưng hoạt động xuất khẩu của nước này được dự báo sẽ giảm xuống trong những tháng tới do nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) sẽ ở mức yếu. Hoa Kỳ và các quốc gia khối EU hiện vẫn chưa tái mở cửa nền kinh tế toàn bộ và đang tập trung kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, dữ liệu gần đây cũng cho thấy khối dịch vụ của Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn khi các nhà hàng, trung tâm thương mại và khu vực giải trí vừa mới được bắt đầu mở cửa trở lại và người tiêu dùng vẫn còn e ngại đến những khu vực đông người, lo sợ làn sóng bùng phát dịch lần 2 có thể xảy ra.

PBOC nhận định sự lây lan của đại dịch Covid-19 và các tác động tiêu cực của dịch bệnh có thể nghiêm trọng hơn những dự báo hiện nay và cho biết sẽ “cần tiếp tục quan sát thêm” việc tái mở cửa nền kinh tế của Hoa Kỳ và khối EU.

Trong báo cáo công bố ngày 10/5, PBOC đã xoá câu “tránh để xảy ra tình trạng dư thừa thanh khoản trên thị trường” vốn xuất hiện các tài liệu trước đó. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần một lượng tài chính khổng lồ đề chống đỡ các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tính từ đầu năm đến nay, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng tại nước này 3 lần và giảm dần lãi suất trên thị trường, qua đó bơm thêm hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ vào thị trường tài chính nước này, giúp gia tăng tính thanh khoản trong hệ thống.

Đồng thời, PBOC cũng cung cấp gói tín dụng trị giá 1,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (254,4 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại để tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn chịu ảnh hưởng nặng nế nhất từ đại dịch Covid-19. Mức tăng cung tiền M2 của Trung Quốc đã tăng từ 0,5% trong tháng 3/2020 lên 11,1% trong tháng 4/2020.  

Các quan chức của PBOC, đặc biệt là Thống đốc PBOC Yi Gang, đã từ lâu cho biết họ không có ý định sử dụng các biện pháp nới lỏng định lượng quy mô lớn như một số quốc gia đang áp dụng do các khoản nợ đang tăng cao cùng với nhiều dự án lãng phí tại Trung Quốc xuất phát từ khoản kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (586 tỷ USD) được nước này áp dụng giai đoạn 2008/2009.

Thống đốc PBOC Yi Gang cũng cảnh báo các rủi ro đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc đang được tích tụ và ở mức cao, do đó việc nước này đưa ra một gói kích thích kinh tế quy mô lớn có thể khiến lạm phát bật tăng trở lại và mức nợ tăng cao nhanh chóng. Báo cáo chính sách tiền tệ quý 1/2020 của PBOC tiếp tục nhấn mạnh Trung Quốc cần duy trì chính sách tiền tệ ở mức thông thường.

PBOC nhấn mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ nên nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế thực, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và việc tăng trưởng cung tiền, tín dụng và tổng các nguồn tài chính cần phải “phù hợp” với tình hình nền kinh tế Trung Quốc. Ông  Xie Yaxuan, trưởng ban phân tích vĩ mô từ hãng chứng khoán China Merchants Securities, nhận định PBOC có thể sử dụng tỷ lệ nợ trên tổng GDP của Trung Quốc là thước đo kinh tế chính để đưa ra các quyết định hỗ trợ nền kinh tế.

Theo tính toán của ông Xie Yaxuan, tỷ lệ nợ trên tổng GDP của Trung Quốc trong quý 1/2020 đã tăng vọt thêm 14 điểm phần trăm, vượt mức mục tiêu tăng 10 điểm phần trăm trong năm 2020 của PBOC. Do đó, PBOC không còn nhiều dư địa để nới lỏng các chính sách tiền tệ. PBOC sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để đảm bảo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc nhưng PBOC sẽ không để cho khối nợ tăng thêm đối với nền kinh tế thực, ông Xie Yaxuan nhân định.

Quang Đặng (Theo SCMP)